Các thủ khoa “Cùng hòa nhịp con tim” với thanh niên khuyết tật

(Dân trí) - Diễn ra trong không khí ấm cúng, xúc động và vui nhộn, buổi giao lưu “Cùng hòa nhịp con tim” giữa 112 thủ khoa tốt nghiệp ĐH năm 2011 và 60 thanh niên khuyết tật tiêu biểu đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kỷ niệm đẹp trong mỗi trái tim.

8h30 sáng 20/8, mặc dù trời mưa như trút nước nhưng tại hội trường lớn của Trung tâm Thể thao quận Ba Đình, Hà Nội đã không còn chỗ trống. Ngay từ đầu giờ sáng, 112 bạn thủ khoa tốt nghiệp ĐH năm 2011 trong mầu áo xanh cốm đã có mặt đông đủ và đặc biệt hơn là sự có mặt của 60 thanh niên khuyết tật tiêu biểu. Tuy không tự di chuyển được và điều kiện thời tiết rất xấu nhưng các thanh niên khuyết tật vẫn đến đúng giờ, khiến cho buổi giao lưu càng thêm hứng khởi.
Các thủ khoa “Cùng hòa nhịp con tim” với thanh niên khuyết tật - 1

Mặc dù trời mưa như trút nước nhưng tại hội trường lớn của Trung tâm Thể thao quận Ba Đình đã không còn chỗ trống.
 
Các thủ khoa “Cùng hòa nhịp con tim” với thanh niên khuyết tật - 2
Chàng hiệp sĩ CNTT khiếm thính Khúc Hải Vân đã làm cả hội trường vỡ òa vì những tràng pháo tay rộn rã.

Mở đầu buổi giao lưu, chàng hiệp sĩ CNTT khiếm thị Khúc Hải Vân đã mang đến một không khí vui nhộn, ấm cúng khi anh hát mà không cần nhạc công đệm đàn: “Tôi muốn làm một thứ cỏ cây, vui trong gió và không ưu phiền. Tôi muốn mọi người biết thương nhau, không oán ghét, không gây hận sầu,…”. Kết thúc bài hát đầu tiên Hải Vân nhận được những tràng pháo tay vang dội, cả hội trường như vỡ òa trong sự xúc động.

Tâm sự tại buổi giao lưu, hiệp sĩ Hải Vân cho biết: “Mình rất mong muốn các bạn thủ khoa có nhiều ý tưởng thiết thực đưa vào cuộc sống. Điều này không những có ý nghĩa với chính các bạn mà còn rất có ích cho cộng đồng”.

Chia sẻ cảm nhận của mình, bạn Nguyễn Trọng Nhật Quang, thủ khoa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên em được gặp những bạn khuyết tật giỏi như anh Vân và các bạn ngồi đây. Từ trước đến nay em chỉ chú tâm vào việc học mà đôi khi quên mất ở ngoài đời, xung quanh mình có nhiều tấm gương lớn như vậy. Trước các bạn mình thấy những cố gắng của mình chưa là gì. Em nghĩ, mình cần vẽ được một vòng tròn lớn hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn và cần cố gắng học tập tốt hơn nữa”.

Thanh niên khuyết tật truyền lửa cho thủ khoa

Sau màn giới thiệu của người dẫn chương trình, cả hội trường im lặng và dõi nhìn về phía cô gái khiếm thị Đào Thu Hương - thủ khoa tốt nghiệp của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2010. Công việc hiện tại của Hương là làm biên dịch, phiên dịch và dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ, đặc biệt là các em khuyết tật. Đối với một người bình thường, để đạt được thành tích kể trên là cả một chặng đường, cần sự cố gắng không mệt mỏi, nhưng với người khuyết tật thì khó khăn ấy theo cấp số nhân. Vậy mà, Thu Hương không chỉ dừng lại ở danh hiệu thủ khoa mà còn đạt tiếp học bổng du học tại Nhật Bản. Thu Hương trở thành niềm tự hào của người Việt Nam khi trở thành 1 trong 7 bạn trẻ châu Á có được vinh dự này.
Các thủ khoa “Cùng hòa nhịp con tim” với thanh niên khuyết tật - 3
Sau khi giành ngôi thủ khoa tốt nghiệp của ĐH Sư phạm Hà Nội, Thu Hương đoạt học bổng du học tại Nhật Bản.
Các thủ khoa “Cùng hòa nhịp con tim” với thanh niên khuyết tật - 4
Ngoài những thành tích về học tập, Thu Hương còn rất giỏi đàn, vẽ và ca hát.

Thu Hương chia sẻ: “Công việc ý nghĩa nhất Hương đang làm là soạn giáo trình trực điện thoại cho người khiếm thính. Và trong thời gian đi du học Hương dự định vẫn tiếp tục dạy tiếng Anh online cho các em nhỏ”. Được biết, ngoài những thành tích về học tập, Thu Hương còn rất giỏi đàn, vẽ và ca hát.

Cảm phục, ngưỡng mộ trước một tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, Hà Linh - thủ khoa khoa tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ chia sẻ: “Với chúng em, để học tốt ngoại ngữ đã là rất khó, với người khiếm thị thì khó khăn này càng nhân lên gấp nhiều lần. Thế mà chị Hương đã học giỏi như vậy. Em vô cùng khâm phục!”.

Ngay trong buổi giao lưu, Thu Hương đã hoàn thành bức tranh thể hiện ý tưởng của mình nhờ sự giúp đỡ của bạn Trương Hải Hà - thủ khoa sư phạm tiếng Anh của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy bức tranh được vẽ vội (vì không có dụng cụ vẽ dành cho người khiếm thị, thời gian vẽ lại ít) nhưng đã thể hiện được ý tưởng cao đẹp của Thu Hương. Trong tranh là một cô giáo đang sử dụng máy tinh giảng dạy tiếng Anh cho học sinh bình thường trong một môi trường hòa nhập. “Đây cũng chính là mơ ước của tôi”, Hương bày tỏ.

Xuyên suốt buổi giao lưu là bầu không khí ấm áp, xúc động và khâm phục của các thủ khoa dành cho những thanh niên khuyết tật. Chắc rằng, những cảm xúc sâu sắc ấy cùng những ấn tượng đẹp trong buổi giao lưu hôm nay không chỉ đọng lại trong 112 trái tim thủ khoa mà còn để lại ký ức khó phai trong lòng “những thanh niên khuyết tật ưu tú” - những người vượt lên số phận để khẳng định mình.

Bài và ảnh: T.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm