Các sáng kiến để "ươm mầm" công dân toàn cầu từ giáo dục New Zealand

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tổ chức hoạt động trang bị kỹ năng tương lai, tọa đàm xây dựng tư duy logic với đa dạng chủ đề; đẩy mạnh các tuần lễ ngôn ngữ và hội nhập văn hóa là những sáng kiến "ươm mầm" công dân toàn cầu từ giáo dục New Zealand.

Tại Hội thảo Công dân toàn cầu trong kỷ nguyên số thuộc khuôn khổ Ngày hội Công dân Toàn cầu - Global Citizens Day 2023 do hệ thống trường IGC tổ chức, các đơn vị giáo dục New Zealand đã chia sẻ một số sáng kiến trong việc đào tạo công dân toàn cầu.

Theo đó, đào tạo công dân toàn cầu là một trong 3 mục tiêu của Chiến lược Giáo dục Quốc tế giai đoạn 2022 - 2030 của New Zealand. New Zealand còn nhiều năm liền được đánh giá là quốc gia nói tiếng Anh hàng đầu trong việc chuẩn bị học sinh cho tương lai (theo báo cáo của The Economist Intelligence Unit).

Các trường và cơ sở giáo dục ở New Zealand đã triển khai nhiều hoạt động, dự án nhằm thúc đẩy việc phát triển công dân toàn cầu không chỉ cho học sinh, sinh viên trong nước mà còn mở rộng hợp tác, làm việc với các nước khác để tăng cường trải nghiệm cho học sinh và hỗ trợ học sinh quốc tế.

Một số hoạt động giao lưu, hợp tác hướng đến mục tiêu phát triển công dân toàn cầu dành cho đối tượng học sinh phổ thông được giới thiệu ở Việt Nam trong thời gian qua có thể kể đến như: chương trình chứng chỉ năng lực toàn cầu New Zealand (NZGCC); trại hè kỹ năng tương lai New Zealand 2022 (New Zealand Future Skills Camp); chuỗi các lớp học trải nghiệm và hướng nghiệp ngành nghề (Masterclasses)...

Ngoài ra, tại Ngày hội Công dân toàn cầu - Global Citizens Day 2023 do hệ thống trường IGC tổ chức, nhiều đơn vị giáo dục tại New Zealand đã hội tụ và mang lại những những kiến thức thiết thực thông qua các phiên thảo luận và tọa đàm chuyên sâu. Đơn cử như workshop "Công nghệ giáo dục ở New Zealand" của Học viện academyEx, "Văn hóa đọc trong kỷ nguyên 4.0" của Công ty Công nghệ Giáo dục Stylefit và "Kỹ năng tiếng Anh toàn cầu" của Công ty Công nghệ Giáo dục Chasing Time English.

Các diễn giả là đại diện từ trường trung học Long Bay College và Đại học Lincoln (New Zealand) còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm nổi bật, góp phần mang đến cho các nhà giáo dục Việt Nam một góc nhìn rõ nét hơn về tiêu chí đào tạo thế hệ công dân toàn cầu của New Zealand, một thế hệ học sinh bản lĩnh, tự tin, sẵn sàng tiên phong và giải quyết vấn đề của xã hội.

Tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng tương lai

Trong bài phát biểu "Nuôi dưỡng học sinh trở thành công dân toàn cầu", bà Jayne Jones - Phó hiệu trưởng trường Long Bay College cho biết: "Thế giới luôn tiềm tàng những vấn đề phức tạp. Khi ấy, công dân toàn cầu sẽ là thế hệ tìm ra cơ hội và điều hướng những vấn đề đó bằng sự hiểu biết, năng lực của mình. Bên cạnh tôn trọng giá trị cá nhân, tôi cho rằng một công dân toàn cầu cũng cần công nhận tiềm năng và quan điểm của người khác, để từ đó chung tay vì vấn đề chung của nhân loại".

Để đạt được điều này, bà Jayne Jones cùng các nhà giáo tại New Zealand đã triển khai những dự án hướng đến trang bị kỹ năng tương lai, như: chương trình cho các nhà lãnh đạo trẻ (phối hợp với Hội đồng Văn hóa và các trường trung học đối tác); các buổi tọa đàm xây dựng tư duy logic với đa dạng chủ đề như "Kỹ năng đặt chuỗi câu hỏi tại sao?"; các ngày hội, tuần lễ ngôn ngữ; các đội nhóm ngoại khóa về hội nhập - văn hóa như "Thế giới quan của người Maori trong bối cảnh New Zealand"…

Thúc đẩy giao lưu hội nhập, phá vỡ rào cản văn hóa

Bên cạnh các sáng kiến giúp bồi dưỡng năng lực, giáo dục New Zealand còn đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa. Theo ông Hugh Bigsby, Trưởng khoa Kinh doanh Nông nghiệp và Thương mại tại Đại học Lincoln, việc trải nghiệm đa văn hóa sẽ làm dày vốn sống và khả năng thích ứng cho mỗi cá nhân.

Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông cho hay: "Với cùng lượng kiến thức cơ bản ban đầu, khi tôi đi đến những đất nước khác nhau, tôi sẽ có cách sử dụng bài học đó khác nhau. Vì vậy, việc học sâu sẽ còn thành công hơn khi ta hiểu rộng, tức là biết ứng dụng những điều đó trong bối cảnh toàn cầu".

Các sáng kiến để ươm mầm công dân toàn cầu từ giáo dục New Zealand - 1
Ông Hugh Bigsby phát biểu về chủ đề "Làm thế nào để giúp học sinh xây dựng những kỹ năng cho nghề nghiệp toàn cầu trong kỷ nguyên 4.0" (Ảnh:ENZ).

Trong quá trình liệt kê các ích lợi cho học sinh khi phát triển trong môi trường đa văn hóa, ông Hugh Bigsby cũng đề cập đến vai trò của giáo viên trong việc lồng ghép các kiến thức quốc tế vào nội dung bài giảng. Điều này sẽ giúp học sinh hứng thú và tiếp cận kho tàng kiến thức chung của nhân loại một cách tự nhiên nhất có thể.

Cuối bài chia sẻ của mình, bà Jayne Jones cũng khẳng định một trong những mục tiêu để bà thực hiện các chương trình là "Phá vỡ những rào cản về văn hóa nhằm tôn vinh một thế giới giàu bản sắc". Với bà, cần đầu tư cho những không gian văn hóa để học sinh học cách tôn trọng văn hóa nước bạn và chủ động phát huy bản sắc của mình.

Một trong những sáng kiến nổi bật là Lớp học số - Digital Classroom giúp kết nối học sinh New Zealand và học sinh Việt với các hoạt động thú vị như: học làm bánh truyền thống của người New Zealand, học nhảy Haka - điệu nhảy truyền thống của người Maori,…

Các sáng kiến để ươm mầm công dân toàn cầu từ giáo dục New Zealand - 2
Học sinh Việt Nam tại lớp học làm bánh truyền thống New Zealand (Ảnh: ENZ).

"Những sáng kiến trên đã đưa New Zealand trở thành môi trường giáo dục công dân toàn cầu đầy hứa hẹn với sự an toàn, quan tâm và hướng tới phát triển cộng đồng", bà Jayne Jones nhấn mạnh.

Tìm hiểu thêm về du học New Zealand tại https://www.studywithnewzealand.govt.nz/en.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm