Các giáo sư vẫn “bán” mình!
(Dân trí) - Nổi cộm trong đội ngũ giáo sư (GS) hiện nay, vấn đề lương đã trở thành một bức xúc không thể giải toả. Dư luận thì eo xèo GS có sống bằng lương đâu mà phải kêu! Quả thật, theo một kết luận của Hội đồng chức danh GS nhà nước, thu nhập thấp nhất của một GS cũng cao gấp ít nhất 1,5 đến 3 lần mức lương quy định.
Tuy nhiên, để có thể sống không bằng lương, họ đã phải làm việc cật lực không lúc nào ngơi nghỉ và sự làm việc cật lực này nhiều lúc bị nhìn nhận là không xứng đáng với một chức danh GS. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng GS Hoàng Tuỵ xung quanh vấn đề này:
ĐH thì thấp kém mà GS, TS thì loạn!
Theo đánh giá của các nhà khoa học và giáo dục thì trường ĐH tốt nhất của Việt Nam hiện nay đang thua Thái Lan 50 bậc và chúng ta chưa hề có trường ĐH đẳng cấp quốc tế, dù thế chúng ta vẫn có kế hoạch đào tạo mỗi năm hàng nghìn tiến sĩ. Vậy, liệu nguồn GS này sẽ thế nào, thưa GS?
Hiện nay, không có đại học nào của Việt Nam lọt được vào số 100 đại học tốt nhất trong khu vực. Trong đào tạo đại học, từ nhiều năm vẫn bao trùm một không khí trì trệ, bảo thủ dai dẳng, tuy một vài hội thảo thỉnh thoảng có xới lên được một số vấn đề, làm cho cấp lãnh đạo nhận thức rõ hơn mức độ tụt hậu của đại học và khoa học VN.
Một nhà vật lý từng nhiều năm giữ một cương vị lãnh đạo tại CERN, sau một thời gian đến VN và có dịp thỉnh giảng tại một số đại học ở Hà Nội, từng nói với tôi rằng điều làm ông hết sức ngạc nhiên là “ở đây thiếu vắng hẳn bầu không khí khoa học thường thấy ở mọi đại học bên các nước khác. Có vẻ như ở VN đại học chỉ là trường phổ thông kéo dài thêm: cứ chuông reo thì một thầy ra một thầy vào, thầy giảng xong biến luôn!”.
Điều nghiêm trọng là tình hình tồi tệ này đã kéo dài từ lâu, ít ra từ vài chục năm nay, lâu đến nỗi đối với nhiều người nó đã trở thành bình thường, chẳng có cách gì thay đổi được.
Một trong các biểu hiện sa sút tệ hại nhất của đại học và khoa học là sự cẩu thả và gian dối trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, công nhận các chức danh GS, PGS. Không phải vô căn cứ mà nhiều người lo ngại rằng, nếu cứ đà này thì sẽ đến lúc tiến sĩ giấy, giáo sư rởm, viện sĩ rởm, nhà khoa học rởm tràn ngập trong xã hội, còn đâu chỗ cho khoa học chân chính. ĐH thì thấp kém mà GS, TS loạn cả!
Một nền khoa học tự ru ngủ với những thành tựu đáng ngờ!
Vậy, thưa GS, hiện tượng GS, TS loạn cả này không chỉ bởi vì ĐH thấp kém mà còn vì sự cẩu thả, gian dối trong việc công nhận học vị và chức danh?
Trong nhiều năm các cơ quan quản lý khoa học và giáo dục đã áp dụng những chuẩn mực kỳ lạ, nói đúng hơn, không đặt ra chuẩn mực nào cho các công trình khoa học, đến mức những tấm giấy lộn cũng trở thành công trình khoa học có giá, những luận văn tiến sĩ sao chép vụng về có khi còn được đánh giá cao hơn cả những công trình khoa học nghiêm túc đã trải qua thẩm định chặt chẽ để công bố trên quốc tế.
Kỳ lạ nhất là những quy định (đến đây vẫn còn) đòi hỏi người muốn dự thi làm nghiên cứu sinh phải có hai công trình đã công bố (!) và chương trình đào tạo tiến sĩ bất cứ ngành khoa học nào cũng phải có môn bắt buộc là “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” và môn chính trị theo nội dung căn bản chẳng có gì thay đổi lắm so với cách đây 30-40 năm. Khó hiểu hơn là cách dạy những môn này vì có khi môn học này do người chưa từng làm nghiên cứu khoa học nghiêm túc bao giờ phụ trách!
Cùng đó, các thủ tục và tiêu chuẩn xét tuyển của ta thể hiện một quan niệm khá thô sơ về GS, PGS. Tuyển chọn thì máy móc, thô bạo, để lọt và ưu ái rất nhiều người kém và lại loại ra những người thực tài; sử dụng những người được tuyển dụng rất bừa bãi, lãng phí. Tôi có dịp tham gia thẩm định một số hồ sơ ứng cử GS, PGS ở nước ngoài, không thấy ở đâu có những hồ sơ nhiêu khê rắc rối mà phiến diện như ở ta chỉ nhằm một quy trình xét duyệt chẳng giống ai cả!
Vì thế chẳng lạ gì có những vị ở trong nước được tung hô là nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế mà ở nước ngoài không có chút tên tuổi. Một nền khoa học coi thường mọi chuẩn mực, tự ru ngủ với những thành tựu đáng ngờ, khuyến khích chạy theo những hư danh được rao bán khắp thế giới nhưng chỉ tiêu thụ được ở các nước kém phát triển - thử hỏi cần cho ai và xây dựng để làm gì?
Với một “nguồn” vào thì loạn, quy trình xét duyệt thì chẳng giống ai; Giáo dục, khoa học và công nghệ của chúng ta đang đứng ở vị trí nào, thưa GS?
Tình hình sa sút của ĐH hiện nay, đương nhiên khoa học cũng chẳng khả quan gì hơn vì sự phát triển đại học gắn chặt với sự phát triển khoa học. Cứ tin vào báo cáo năm 2001 của cơ quan hữu trách khi đề nghị với Nhà nước thành lập Viện Hàn lâm Khoa học VN thì khoa học của chúng ta đã có địa vị khá vững so với khu vực.
Nhưng đó chỉ là những nhận định rất chủ quan của những quan chức không trực tiếp làm khoa học, còn theo các chuẩn mực quốc tế thì không phải vậy. So với Thái Lan ta cũng đã lạc hậu 20-30 năm, nói gì đến Singapore hay Hàn Quốc.
Chất lượng giáo dục đào tạo cử nhân, thạc sĩ...
đang là "dấu hỏi lớn" hiện nay? (Ảnh chỉ có tính minh hoạ)
Tương lai sẽ phải trả giá khủng khiếp!
Thưa GS, hiện dư luận đang cho rằng sự sa sút này còn bởi vì phần lớn đội ngũ GS mải mê theo những sự lao động không xứng đáng với chức danh GS. Vấn đề này nên hiểu ra sao?
Do tầm nhìn thiển cận, trong hơn hai mươi năm qua ngành giáo dục chỉ biết khai thác đến kiệt sức đội ngũ giảng dạy đại học. GS và PGS phải làm việc cật lực trong suốt hai mươi năm qua.
Ông cha ta đã có câu: có thực mới vực được đạo, bài học vỡ lòng đó đến nay vẫn chưa được học thuộc đối với khoa học và giáo dục. Biết bao nhiêu lần cuộc sống đã dạy rằng những yếu kém tiêu cực trong giáo dục và khoa học đều bắt nguồn từ chỗ đồng lương chính thức chỉ đủ đảm bảo cho nhà khoa học các cấp 1/4 mức sống hợp lý, còn lại họ phải tự xoay xở. Nói đúng hơn, nhà trường, cơ quan giúp họ xoay xở bằng cách bịa ra đủ loại phụ cấp để bổ sung thu nhập của họ.
Trong giáo dục thì làm ngơ cho họ dạy sô, luyện thi, khai tăng số giờ phụ trội; Trong cơ quan khoa học thì làm ngơ cho các vụ “treo đầu dê bấn thịt chó”, đăng ký đề tài nghiên cứu một đằng, báo cáo một nẻo, mà đề tài vẫn được nghiệm thu xuất sắc để rút tiền nhà nước vô tội vạ. Vì Quy chế sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học cho phép dùng 40% (hay hơn) kinh phí cấp cho đề tài để trả công cho nghiên cứu cho nên kinh phí càng lớn thì thu nhập cho người tham gia đề tài càng cao, gây ra bất công lớn và tiêu cực lớn, khuyến khích “chạy đề tài”, “lại quả kinh phí nghiên cứu”... Rồi thu nhập từ những phong bì nặng nhẹ khá tuỳ tiện...
Phải chăng điều đó cũng góp một phần không nhỏ trong việc làm cho vị trí của người GS càng trở nên ít đáng kính hơn, thưa GS?
Muốn cho người GS có tự trọng thì GS phải được tôn trọng! Thả nổi cho họ “tự cứu”, tự bươn chải để sống, vì thế không bao giờ, về lâu dài là một chính sách khôn ngoan.
Giáo dục và khoa học dù sao cũng chỉ là bộ phận của hệ thống kinh tế- xã hội, nhưng là một bộ phận rất nhạy cảm với những nghịch lý đời sống, và thích ứng nhanh nhất với các nghịch lý ấy bằng cách “tự cứu” mà rốt cuộc xã hội phải trả bằng những giá khủng khiếp cho tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Mai Minh (thực hiện)