Các cựu Bộ trưởng Giáo dục và hoài niệm về Đại tướng

“Anh em làm giáo dục chúng tôi năm nào cũng đến thăm Đại tướng nhân dịp 20/11 vì đều coi ông là người THẦY lớn của ngành giáo dục vì nhiều lẽ, và, cái lẽ lớn nhất là ông luôn luôn quan tâm một cách thực lòng đến giáo dục Việt Nam”.

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển đã rưng rưng nói như vậy. Trong cuộc trò chuyện của mình, ba vị từng là Bộ trưởng ngành GD đã kể về Đại tướng như một vị tướng đứng đằng sau những quyết sách về giáo dục, một người đi trước thời đại về tư tưởng giáo dục.

 

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển.
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển.

 

Trong câu chuyện của mình, ông dùng từ Đại tướng “thực lòng” quan tâm đến giáo dục, vì sao ông lại nhấn mạnh hai từ đó như một sự đặc biệt.

 

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển: Vì có những người nói về giáo dục (GD) chỉ như một nhiệm vụ hoặc chỉ nói vì phải nói. Đại tướng thực lòng quan tâm, chỉ bảo và truyền cảm hứng cho chúng tôi bắt tay vào làm GD. Khi chúng tôi gặp khó khăn, Người động viên, khích lệ và cho chúng tôi niềm tin!

 

Xin ông giải thích rõ hơn về điều này và những tư tưởng làm GD nào của Đại tướng mà ông cho là đã tác động đến sự phát triển của GD hiện nay?

 

Trong những lần gặp gỡ, chúng tôi thường báo cáo một số việc về GD mà Đại tướng quan tâm. Riêng cá nhân tôi có ít nhất 3 lần báo cáo riêng với Đại tướng về mấy vấn đề. Năm 2002 khi triển khai đại trà chương trình Tiểu học, dư luận rộ lên về việc thay đổi bảng chữ cái, Đại tướng gọi tôi lên và hỏi tỉ mỉ việc thay đổi sách, thay đổi thứ tự chữ cái.

 

"Nếu chúng ta có nhiều người quan tâm đến giáo dục một cách thực lòng như Đại tướng thì giáo dục đã thực sự trở thành quốc sách hàng đầu!” - Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển

Lần thứ hai là vào năm 2004 Đại tướng gửi một bức thư cho T.Ư do giáo sư Hoàng Tụy, GS Phạm Duy Hiển và một số nhà khoa học khác giúp bác viết với đầy tâm huyết.

 

Đại tướng cho gọi tôi và hỏi về bức thư, hỏi xem những điều Đại tướng viết có được xem xét không. Lần thứ Ba là năm 2005, khi tiến hành sửa đổi bổ sung Luật GD, Đại tướng cho gọi tôi lên hỏi cặn kẽ mọi việc, Đại tướng lắng nghe rồi góp ý: mọi việc phải làm thận trọng, sửa thì phải sửa cho kỹ, chứ không phải, cứ mỗi lúc có vấn đề là lại đem ra sửa!

 

Mối quan tâm của Đại tướng với GD mà ông ấn tượng nhất?

 

Qua những lần gặp gỡ và báo cáo, Đại tướng nhấn mạnh những vấn đề sau: thứ nhất, phải hết sức coi trọng GD toàn diện - dạy chữ đi đôi với dạy nghề, dạy người; Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh việc dạy làm người; thứ Hai, Đại tướng nhắc, trong GD có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết, nhưng lãnh đạo phải quan tâm đến 2 đầu đặc biệt: Tiểu học, là khi các cháu mới bắt đầu đi học và như tờ giấy trắng cần được hết sức quan tâm chú ý; Đại học (ĐH) vì đó đầu cuối đào tạo nhân lực cho đất nước; 2 đầu khác nữa cần được đặc biệt quan tâm là GD các vùng khó khăn và vùng đặc biệt, vùng kháng chiến ngày xưa, nơi đồng bào đã vất vả thế nào và nay việc học của các cháu ở vùng đó cần được quan tâm.

 

Đại tướng nhấn mạnh, phải tạo điều kiện cho các nhân tài học sinh, sinh viên giỏi. Khi giáo dục chưa bung ra như hiện nay, Đại tướng đã nhắc: phải chú ý đến chất lượng, đặc biệt là ĐH, mở rộng quy mô, phát triển là đúng nhưng phải quan tâm đến chất lượng; chớ có chuẩn bị chưa tốt mà đã mở bung tất cả ra! Đại tướng nhắc điều này từ năm 2004 - 2005.

 

Dạo đó cũng có hồ sơ xin thành lập trường nhiều lắm và bản thân tôi chịu nhiều áp lực nhưng, nhớ lời Đại tướng chúng tôi cân nhắc không để đến nỗi mỗi năm cho ra đời hàng chục trường được! Từ việc dạy chữ, dạy người toàn diện đến việc giữ vững chất lượng ĐH, càng suy nghĩ, càng thấy Người là sâu sắc!

 

Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân.
Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân.

 

Là một Bộ trưởng làm việc dưới sự chỉ đạo của Đại tướng khi ông phụ trách về khoa học giáo dục, điều gì khiến ông tâm đắc nhất trong hơn 10 năm giữ chức vị?

 

Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân: Cụ là người có tầm nhìn xa ủng hộ cái mới triệt để trong thời gian, đã có lúc, tưởng chừng nền GD đại học (ĐH) tan rã. Những năm 1985-1987 Cụ đã ủng hộ phá bỏ rào cản và cho phép các trường ĐH tự chủ quan hệ quốc tế; ủng hộ việc chuyển nền ĐH từ tập trung bao cấp sang nền ĐH xã hội hóa, trong đó điểm nổi bật nhất là đào tạo không chỉ bằng ngân sách nhà nước, chỉ đào tạo cho khu vực nhà nước mà đào tạo cho cả các thành phần kinh doanh khác; người tốt nghiệp tự tìm việc làm và tạo việc làm cho người khác... Điều ấn tượng nhất là khi ấy, Cụ, với cương vị Phó Thủ tướng phụ trách khoa học giáo dục đã quyết ngay trên diễn đàn hội nghị!

 

Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc.
Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc.

 

Được biết, sau khi thôi giữ trọng trách, Người vẫn trăn trở với GD, ông có thể cho biết rõ hơn không?

 

Đại tướng thường xuyên trăn trở với các bức xúc của xã hội. Lần nào gặp cụ cũng nói về GD. Cụ đặc biệt quan tâm đến việc đi học của người nghèo, công bằng xã hội, công bằng về cơ hội học tập của mọi người, đặc biệt các dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn...

 

"Đại tướng đã từng kiến nghị với T.Ư là phải làm cuộc cách mạng về giáo dục và đề xuất giáo dục toàn diện”. - Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc

Tâm huyết nào của Đại tướng chưa thực hiện được mà ông nhớ nhất?

 

Điều Đại tướng quan tâm lớn nhất là ĐH phải gắn với khoa học. Hoạt động khoa học của các trường mạnh thì nền khoa học của nước nhà cũng phát triển mạnh và chất lượng đào tạo tốt hơn. Đây cũng chính là hướng đi của các trường ĐH Mỹ. Rất tiếc đến nay VN vẫn chưa thực hiện được. Ngẫm đi ngẫm lại mới thấy sự chỉ đạo của anh Văn là đúng, là sâu sắc!

 

Là người giữ chức vị Bộ trưởng Bộ GD từ năm 1987 đến năm 1990, ông cảm nhận gì về sự quan tâm đến GD của Đại tướng?

 

Dù ở các vị trí khác nhau, Đại tướng luôn quan tâm đến GD nước nhà. Theo Đại tướng, động cơ của GD là phục vụ nhân dân và GD phải đi sát với yêu cầu của từng địa phương của từng vùng; trên bình diện cả nước, GD phải sát với đời sống sản xuất và khoa học- giáo dục phải đi liền với tiến bộ khoa học của thời đại.

 

Đại tướng cho rằng GD là một công việc của quần chúng; vì vậy, phải chăm chút đội ngũ làm khoa học. Nhìn chung, trong các cuộc tiếp xúc với Đại tướng suốt 1/4 thế kỷ, tôi đều nhận được những lời khuyên nhủ ân cần, cặn kẽ, những hướng đi thuyết phục.

 

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm