Cà Mau đặt mục tiêu 100% cơ sở giáo dục có thư viện

(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau vừa triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay, đối tượng người đọc chưa thực sự phổ cập trong xã hội mà tập trung ở một số đối tượng là các nhà nghiên cứu, cán bộ nghỉ hưu, học sinh (HS), sinh viên (SV), thiếu nhi,...

Vai trò của gia đình, nhà trường, thư viện chưa được phát huy trong việc hình thành thói quen đọc, vì thế xu hướng đọc hiện nay chưa được giới trẻ quan tâm, còn một bộ phận chưa xác định đúng mục đích, thiếu định hướng, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận,… Xu hướng văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn lướt văn hóa đọc, nhất là việc truy cập internet, xem truyền hình.

"Hệ thống thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, vốn sách báo chưa đủ đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh. Mô hình luân chuyển sách xuống cơ sở của thư viện tỉnh, thư viện huyện chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu đọc của người dân", UBND tỉnh Cà Mau đánh giá.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc triển khai đề án nói trên nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí phát triển bền vững nguồn nhân lực; tạo động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.

Học sinh đang đọc sách tại thư viện. (Ảnh minh họa)
Học sinh đang đọc sách tại thư viện. (Ảnh minh họa)

Theo đề án của tỉnh Cà Mau, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 80% HS, SV và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học.

100% cơ sở giáo dục tại các cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp cho từng cấp học; 50% thư viện trong cấp học phổ thông đạt chuẩn về thư viện trường phổ thông theo quy định.

Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với HS, SV là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viên đạt chuẩn theo quy định;…

Đến năm 2030, 100% HS, SV, nghiên cứu sinh được đáp ứng nhu cầu đọc sách báo, tư liệu tại các thư viện cơ sở đào tạo và thư viện công cộng.

100% HS, SV được hướng dẫn phương pháp đọc sách và trang bị kiến thức thông tin; 80% thư viện trong cấp học phổ thông đạt chuẩn thư viện trường phổ thông theo quy định

Để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các Sở, ngành liên quan chỉ đạo rà soát, kiện toàn hệ thống thư viện trường học; xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực tế địa phương, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; khuyến khích phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học, tủ sách pháp luật gắn với hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách.

Huỳnh Hải