Cà Mau dành hơn 560 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Từ đây đến 6 năm tới, Cà Mau sẽ dành hơn 560 tỷ đồng để thực hiện phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau vừa thông qua kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ đào tạo, bồi dưỡng nghề bình quân hàng năm cho 28.000 người (trong đó đào tạo nghề có trình độ sơ cấp trở lên khoảng 12.000 người); đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Phấn đấu thu hút khoảng 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.

Cà Mau dành hơn 560 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 - 1

Một cơ sở dạy học nghề (Ảnh minh họa: H.H).

Hàng loạt mục tiêu mà tỉnh này hướng đến gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 30%); tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%; 100% trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; tỷ lệ cơ sở GDNN ngoài công lập đạt 50% so với tổng số cơ sở GDNN công lập; có một trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao (trong đó có ngành, nghề trọng điểm và có năng lực cạnh tranh với các trường trong khu vực, cả nước).

Cà Mau cũng phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại.

Hướng đến năm 2045, tỉnh này đặt mục tiêu GDNN đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển về GDNN trong khu vực, bắt kịp trình độ tiên tiến của các quốc gia trong khối ASEAN và có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

"Kinh phí để thực hiện việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 là hơn 560 tỷ đồng", theo kế hoạch của tỉnh Cà Mau.

Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, để đạt các mục tiêu trên, tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề;…

Tỉnh cũng huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho GDNN như: Bố trí tăng ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN; chú trọng một số ngành nghề chủ lực, trọng điểm.

Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng nâng cao năng lực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường đào tạo các kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên và người lao động tại các doanh nghiệp. 

Hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa Nhà nước với cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên cơ sở hài hòa về lợi ích và trách nhiệm xã hội; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN, doanh nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có việc làm hoặc khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp.