Dự chi 565 tỷ thực hiện hơn 10 mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Cà Mau dự chi khoảng 565 tỷ đồng để thực hiện việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể.

Trên đây là một trong những nội dung trong kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa được tỉnh Cà Mau thống nhất thực hiện.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, sau khi thực hiện sắp xếp các cơ sở GDNN thì hiện nay toàn tỉnh có 8 cơ sở gồm: 3 trường Cao đẳng công lập; 5 cơ sở ngoài công lập có đăng ký hoạt động đào tạo nghề.

Dự chi 565 tỷ thực hiện hơn 10 mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp - 1

Cà Mau triển khai kế hoạch thực hiện phát triển giáo dục nghề nghiệp với nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030 (Ảnh minh họa: CTV).

Theo kế hoạch, tỉnh này phấn đấu đến năm 2030 đạt một số mục tiêu như: Đào tạo, bồi dưỡng nghề bình quân hằng năm cho 28.000 người (trong đó trình độ sơ cấp trở lên khoảng 12.000 người);

Phấn đấu thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống GDNN; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới;

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%); tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%;

Phấn đấu có một trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao (trong đó có ngành, nghề trọng điểm và có năng lực cạnh tranh với các trường trong khu vực, cả nước).

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này dự chi khoảng 565 tỷ đồng để thực hiện hơn 10 mục tiêu nói trên đến năm 2030.

Ngoài ra, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh hướng đến việc GDNN đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, bắt kịp trình độ tiên tiến của các quốc gia trong khu vực ASEAN,…

Một trong những giải pháp tỉnh này đưa ra là hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa Nhà nước với cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên cơ sở hài hòa về lợi ích và trách nhiệm xã hội; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN, doanh nghiệp và Trung tâm dịch vụ việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm,… tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có việc làm hoặc khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã nêu một số khó khăn trong hoạt động của các cơ sở GDNN như: Quy mô GDNN còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp; nhiều trang thiết bị nghề đã hư hỏng, xuống cấp, lạc hậu chậm được đầu tư mới;

Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả chưa cao; nhu cầu học một số nghề mới của người lao động chưa được đáp ứng; công tác phối hợp giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa nhiều; chưa định hình được mô hình, cơ chế hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.

Tính tự chủ trong tự tạo việc làm, tự tìm việc làm và trình độ tay nghề của người lao động nhìn chung còn thấp; nhận thức, tác phong làm việc chưa phù hợp với quy trình sản xuất công nghiệp.

Một số lao động vẫn còn tư tưởng trông chờ vào các chính sách hỗ trợ, ít quan tâm tham gia học nghề hoặc bỏ học; có lao động sau học nghề khó tìm được việc làm phù hợp hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, di chuyển đi lao động ở ngoài địa phương, ngoài tỉnh.