Bước chân yêu thương của những người Việt trẻ
(Dân trí) - Yêu thương có thể xuất phát từ những điều giản dị nhất, kể cả bạn đang ở nước ngoài. Đó là những gì mà người Việt trẻ tại Đức đang làm.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nỗi đau của chia ly mất mát đã dần được xoa dịu, thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình chúng tôi chỉ còn nghe về sự khốc liệt của của đạn bom qua lời kể của cha mẹ và những người đi trước. Nhưng có một di chứng, sự tàn phá nặng nề còn đó mà không ai có thể chữa lành, sự tàn phá tôi đã tận mắt nhìn thấy trên thân thể của những bạn trẻ cùng thế hệ với tôi – những người sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn im tiếng súng, sự tàn phá mang tên chất độc màu da cam.
Dù không thể xóa bỏ nỗi đau ấy, những người con đất Việt sinh sống xa quê hương vẫn luôn giành một phần trái tim mình hướng về đất mẹ, hướng về những mảnh đời bất hạnh với sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc nhất. Từ 6 năm nay, chương trình "Đi bộ đồng hành gây quỹ ủng hộ trẻ em chất độc màu da cam tại Việt Nam” đã trở thành hoạt động ý nghĩa của cộng đồng người Việt trẻ tại Bochum, Đức. Hoạt động được thực hiện bởi Hội hỗ trợ phụ nữ và thanh niên Việt Nam tại Đức (Vifi) và sự phối hợp của thành phố Bochum, hội người Việt Nam tại Đức, hội sinh viên Việt Nam tại Bochum.
Ngày đi bộ đã đến. Tại ga chính thành phố, chúng tôi được đón tiếp bởi một bạn trai dễ mến với đôi kính cận của hội sinh viên Bochum, từng tốp lần lượt đi tới địa điểm chạy bộ. Chỉ đơn giản với một chiếc bàn đăng ký, nhưng những gì các bạn làm được là khơi lên một ngọn lửa không chỉ trong lòng những người con xa xứ mà còn của bạn bè quốc tế. Rất nhiều người qua đường đã sẵn sàng tham dự cũng chúng tôi, có những cụ già đến muộn cũng nhờ chúng tôi dẫn đường ra bàn đăng ký.
Trên suốt quãng đường đi, những bạn trẻ lại có dịp làm quen, chia sẻ với nhau những điều trong cuộc sống, học tập để rồi khi ra về lại thêm chút quyến luyến khi phải chia tay "những người bạn”. Một cặp vợ chồng đẩy theo chiếc xe nôi cùng đi, những nhóm bạn vừa đi vừa hát hay nói chuyện, một người nước ngoài cùng gia nhập một nhóm với các bạn sinh viên Việt và biết chào "tạm biệt” khi chia tay, một cô bé với những câu hỏi ngây thơ được giải thích về ý nghĩa của buổi đi bộ, về những giá trị sẻ chia mà em có thể hiểu được... Tất cả vẽ nên một bức tranh sinh động đầy màu sắc về một chương trình ý nghĩa.
Sáng hôm đó, những chú chuồn chuồn gỗ lại chắp cánh bay trên những bàn tay, những chú chim sứ cất tiếng hót, những tấm thiệp thủ công, những chiếc vòng tự làm, những chiếc móc khóa trên mặt bàn hay trên gánh hàng rong đã gây sự chú ý của những người bạn đến dự lễ hội văn hóa quốc tế. Nhiều bậc cha mẹ đã dừng lại ở quầy hàng để giải thích cho con mình việc chúng tôi đang làm, những bức ảnh tuy không nói lên hết những nỗi đau đớn mà dân tộc tôi đã và đang gánh chịu nhưng cũng phần nào cho những đứa trẻ biết cảm thông với những mảnh đời bất hạnh.
Kết thúc những ngày cuối tuần, tuy số tiền thu được không nhiều nhưng ai nấy đều vui vẻ, hân hoan vì đã sử dụng thời gian của mình một cách có ý nghĩa. Chúng tôi chia tay nhau để trở về với công việc và cuộc sống thường ngày, hẹn gặp nhau trong một ngày gần nhất. Những người bạn chỉ vài hôm trước còn xa lạ mà giờ đã như thân thiết, một thành phố xa lạ mà bỗng gần gũi yêu thương.
Ngồi trên tàu trở về nhà mà cảm giác vừa rời xa một nơi đã gắn bó với mình để rồi một chút hụt hẫng, một chút buồn nhè nhẹ nhưng trên tất cả vẫn là niềm vui được sống và gặp gỡ những con người, những trái tim nhiều lắm yêu thương.
Có không ít những người bạn dù không mua gì nhưng cũng dúi vào tay chúng tôi một chút tiền nho nhỏ để "gửi tới Việt Nam” hay xin chúng tôi địa chỉ để có thể giúp đỡ lâu dài hơn cho những nạn nhân chiến tranh.
|