Bạn đọc viết:

Bữa ăn bán trú: Mong mỏi của phụ huynh trường nông thôn

(Dân trí) - Ở nhiều vùng nông thôn, việc đưa đón con trẻ đi lại học hành còn nhiều vất vả, tốn kém công sức và tiền bạc vì chưa có bữa ăn bán trú ở trường. Khó khăn nảy sinh từ bữa trưa của học sinh cũng gây ảnh hưởng một phần đến chất lượng giáo dục cũng như sinh hoạt gia đình.

Theo như tôi biết, tại một trường tiểu học của ở một xã ở tỉnh Bắc Ninh, từ trước đến nay không nấu bữa ăn bán trú cho học sinh vào buổi trưa. Vài năm gần đây, phía cha mẹ học sinh đặt vấn đề nhưng cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện nên trường chỉ đặt cơm hộp cho các em ăn trưa. Gom tất cả thì mỗi lớp được vài em, cả trường chưa được 50 hộp cơm nhưng các phụ huynh vẫn đành chấp nhận vì không có sự lựa chọn nào nữa. Nhiều phụ huynh không yên tâm về chất lượng cơm mua bên ngoài nhưng vẫn phải để con ăn trưa tại trường vì không có người đưa đón ngày vài lượt đi học.

Ở nông thôn, các trường hợp gửi con ở trường thường là có bố mẹ đi làm xa nhà, làm công nhân, nhà không có ông bà hoặc ông bà đã già. Những nhà vẫn có người để đưa đón con ngày 4 lượt đến trường thì khá vất vả và tốn nhiều thời gian. Ngày mát mẻ, khô ráo thì đỡ, còn những ngày mưa gió rét hoặc nắng gắt giữa thì cả học sinh và phụ huynh đều mệt mỏi và cực nhọc.

Thường những gia đình đưa đón con đi học được như thế thì là phải có nhiều thời gian, có người rảnh rỗi và công việc an nhàn, thuận lợi để chuyên tâm vào việc chăm sóc việc học hành cho con. Cứ thế là quanh năm, suốt tháng, phải chờ xong hết cấp 1 thì các em học sinh mới tự túc đi lại một mình đến. Biết là vất vả, cực nhọc nhưng nhà nào cũng phải cố, tất cả là vì việc học hành của con cái nên dù có mệt thì ông bà, cha mẹ vẫn luôn phải cố sức.

Không ăn bán trú ở trường thì ngoài việc đưa đón đi lại vất vả cho cả phụ huynh và con em học sinh thì các việc ăn uống ngủ nghỉ ở nhà cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Việc đi lại trong thời gian ngắn giữa trưa khiến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ không có nhiều thời gian và dễ mệt mỏi cho các em, ảnh hưởng một phần đến giờ học buổi chiều. Thêm nữa, vì không có bữa ăn bán trú ở trường nên những gia đình có con nhỏ đang học tiểu học phải mất một nhân lực để đưa đón con cháu, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của gia đình. Tất cả mọi người trong gia đình đều phải chủ động sắp xếp trước với nhau để luôn có một người dành thời gian đưa đón con. Ngay tại Hà Nội, nhiều xã ngoại thành vẫn chưa có điều kiện để lập bữa ăn bán trú cho học sinh, một phần do thiếu vốn, lại chưa có chủ trương hoặc chưa được quan tâm.

Hiện nay, không chỉ ở các thành thị mà tại nông thôn, tốc độ công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, người lao động phần lớn làm việc trong các doanh nghiệp hoặc buôn bán nhỏ lẻ, lao động nông nghiệp giảm mạnh và chủ yếu chỉ còn người già. Có những gia đình phải thuê người đưa đón con đi học vì không có thời gian và cũng không yên tâm khi để con tự ăn cơm hộp ở trường. Vì vậy, sự thay đổi và phát triển cũng lan rộng đến từng trường học, đến mỗi gia đình.

Xây dựng bếp ăn và duy trì bữa ăn trưa bán trú cho học sinh là điều cần nên làm, vừa tăng chất lượng giáo dục, vừa tạo điều kiện để phát triển kinh tế cho các gia đình tại địa phương. Đây là mong ước của nhiều phụ huynh học sinh cũng như của nhiều trường học, nhưng lại là một việc không dễ dàng, điều này cần phải được làm theo hình thức xã hội hóa giữa chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp cùng kết hợp với nhau. Làm tốt việc này cũng góp phần vào sự phát triển của giáo dục, xây dựng đời sống giáo dục văn minh, và hiện đại hóa đời sống của cư dân ở nông thôn.

Minh Minh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm