Bỡn cợt cô giáo già "dạy như cõi âm": Chậm một chút trước khi gõ phím

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - "Tôi tin nhiều bạn bỡn cợt cô giáo dạy văn trên TikTok chưa lắng nghe bài giảng dù vài ba phút. Các bạn chỉ lướt qua hình ảnh và đánh giá dựa trên hình thức bề ngoài", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Những ngày qua, nhiều người không khỏi bức xúc trước hàng loạt lời bình phẩm khiếm nhã các video dạy học của cô giáo Ngô Thúy Trình ở Ninh Bình trên mạng xã hội TikTok. Thậm chí, nhiều người "ném đá" cô giáo với loạt từ ngữ nặng nề.

Đáp trả trước cơn "bão" bình luận, cô Trình dùng thái độ tích cực, thậm chí coi là động lực: "Những đánh giá của dư luận không ảnh hưởng chút nào đến tôi, trái lại những lời chê bai, công kích còn là động lực để tôi tiếp tục phát thêm những bài giảng trên TikTok.

Bỡn cợt cô giáo già dạy như cõi âm: Chậm một chút trước khi gõ phím - 1

Cô giáo Ngô Thúy Trình ở Ninh Bình dạy ngữ văn trên mạng xã hội TikTok (Ảnh: Chụp màn hình).

Nếu dạy online, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền nhưng giờ tôi dạy không phải vì tiền. Việc tôi làm không vụ lợi mà muốn lan tỏa đam mê văn chương, để ai cũng có thể tiếp cận miễn phí…

Bên cạnh những lời bỡn cợt, chê bai cũng có nhiều lời động viên, khen ngợi kia mà. Tôi quan niệm khen đúng là bạn ta, chê đúng là thầy ta. Còn khen không đúng là kẻ thù của ta, còn chê không đúng là đố kỵ với ta", cô Trình nói.

Nhận xét về một số video giảng dạy văn học của cô Trình trên TikTok, một giáo viên tiểu học ở Quảng Bình cho hay: "Ở tuổi thất thập cổ lai hi, làm quen với mạng xã hội đã tiến bộ, đằng này cô còn ứng dụng để giảng dạy. Nhìn bài giảng của cô, tôi thấy trình bày vấn đề khá khoa học, không lạc hậu như một số bạn trẻ chế nhạo.

Thời buổi chỉ cần một bức ảnh cô giáo xinh đẹp đã có thể nổi như cồn, được khen hết lời còn những người có tuổi, bỏ tâm huyết nghiên cứu giảng dạy lại bị ném đá, đấy mới là điều đáng suy nghĩ".

Chia sẻ về điều này, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sống trong thế giới mạng mà thông tin tràn ngập và quá tải phần nào hình thành nên thói phản ứng cảm tính thiếu cân nhắc, trong đó chỉ ưu tiên tốc độ. Điều này dễ khiến những lời bình luận của các bạn trẻ trở nên thiếu tính tôn trọng, lịch sự và đôi khi gây tổn thương đến người khác.

"Tôi tin chắc rất nhiều bạn đưa ra những lời bỡn cợt hoặc bình luận khiếm nhã đó, chưa đủ kiên nhẫn để lắng nghe bài giảng được vài ba phút. Các bạn chỉ ghé qua, lướt qua một vài hình ảnh, và đánh giá nó chỉ dựa trên hình thức bề ngoài.

Có thể hình ảnh của cô không được chỉnh sửa để làm đẹp như các TikToker nổi tiếng khác, không có hiệu ứng, không có kỹ xảo hay diễn kịch như các video vô bổ khác mà các bạn vẫn quen xem nên thiếu thu hút.

Các bạn chỉ bỏ ra mấy giây xem hình thức video giảng dạy của cô, đưa ra những lời bình luận khiếm nhã rồi bỏ đấy, lướt sang các video khác và không hề để tâm đến lợi ích bài giảng, đấy là điều đáng nói.

Cũng có nhiều bạn trẻ lướt TikTok trong lúc đang căng thẳng, tức giận và khó chịu. Hệ quả, bạn xả những cảm xúc tiêu cực này qua các bình luận trên mạng mà bạn tin rằng an toàn hơn", PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Bỡn cợt cô giáo già dạy như cõi âm: Chậm một chút trước khi gõ phím - 2

Khi chia sẻ bất cứ một nội dung nào lên mạng, chứ chưa muốn nói là nhận xét, bình phẩm một ai đó, bạn hãy chậm lại một chút (Ảnh: NVCC).

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, vì sự ẩn danh trên mạng xã hội nên nhiều người nghĩ rằng, họ không phải chịu trách nhiệm với những ngôn từ mình "xả" ra, điều này vô hình chung thúc đẩy những hành vi "anh hùng bàn phím", nơi người dùng ném đá, bỡn cợt để gây chú ý với bạn bè, hạ thấp người khác xuống để mình cảm thấy ưu thế vượt trội.

Những người trẻ hiện nay chịu áp lực từ bạn bè đồng trang lứa, muốn khẳng định bản thân, muốn xây dựng thương hiệu phải là người thú vị, hài hước, có phong cách nhưng họ quên mất các nguyên tắc, giá trị để việc xây dựng và khẳng định thương hiệu cá nhân trở nên bền vững.

"Khi chia sẻ bất cứ một nội dung nào lên mạng, hãy chậm lại một chút và tự hỏi liệu bình luận thế này có "an toàn" cho bản thân (liệu bản thân có vi phạm luật không) hay an toàn cho người khác (tiết lộ thông tin cá nhân của bạn khiến họ gặp nguy cơ).

Mình để lại bình luận thế này, liệu người khác có được tôn trọng, bản thân mình cũng có được tôn trọng lại? Những nội dung mình chia sẻ liệu có lành mạnh, phù hợp với văn hóa thuần phong mỹ tục của Việt Nam? Mình có sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu có những hệ quả gì đó xảy ra với những bình luận nóng vội, khiếm nhã?

Hãy học cách chậm lại trước khi bình luận. Đừng để bị đánh lừa bởi những cái hình thức bên ngoài mà bỏ qua những nội dung quan trọng", PGS Trần Thành Nam khẳng định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm