Vụ "cô giáo" khỏa thân khi dạy online: Cảnh báo hiện tượng "loạn danh xưng"
(Dân trí) - Vấn đề đặt ra là chúng ta cần cẩn trọng vụ loạn danh xưng, lấy danh nghĩa là giáo viên, làm ra những hành động trái thuần phong, mỹ tục, gây ảnh hưởng uy tín của cả một nghề cao quý.
Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước bài đăng của một phụ huynh ở Hà Nội phản ánh việc cô giáo tiếng Anh của một trung tâm không mặc quần áo trong giờ dạy kèm con trai 8 tuổi.
Theo chia sẻ của vị phụ huynh trên Facebook, thường ngày, con tự học một mình cùng cô giáo. Tuy nhiên, khi phụ huynh vào phòng kiểm tra thì tá hỏa phát hiện cô giáo không mặc quần áo trong giờ dạy online.
"Lúc phát hiện thì tôi nhìn thấy cô ngồi bó gối, không mặc áo và quần" - phụ huynh bức xúc.
Bài viết của phụ huynh này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người tỏ ra bức xúc với hành vi của giáo viên trên nhưng cũng có người cho rằng cần bình tĩnh xem xét bởi đây có thể chỉ là sự cố ngoài ý muốn.
Theo đại diện của trung tâm tiếng Anh, cô giáo khỏa thân trong giờ học trực tuyến vốn là nhân viên du lịch đi làm thêm trong đợt dịch này.
Hành vi xâm hại và đầu độc trẻ nhỏ?
Trước thông tin này, phụ huynh Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) tỏ ra vô cùng bức xúc.
"Không hiểu sao, khi dạy học sinh, cô giáo lại… ngồi bó gối, không mặc áo và quần. Là một phụ huynh, tôi cho rằng đây là hành vi vô cùng phản cảm.
Nhận dạy online 1:1 cho cháu bé 8 tuổi, cô giáo này phải hoàn toàn ý thức trong việc chuẩn bị, chỉnh đốn trang phục để buổi học đạt kết quả cao nhất. Phụ huynh bỏ tiền ra thuê gia sư để mong muốn đem lại cho con kiến thức, chứ không phải là hình ảnh khiến ai cũng phải e ngại như vậy".
Chị Ngọc cho biết, dù là cố tình hay vô ý, hành vi của cô giáo trên cần được xử lý triệt để, nghiêm túc để làm gương, bởi thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ nhà giáo để lộ ảnh "nóng", clip "nóng" tương tự.
Phụ huynh Vũ Hồng (Quảng Ninh) cũng đồng tình với quan điểm này. Chị Hồng cho biết, hành vi "không mặc quần áo" trong giờ học trực tuyến của giáo viên tiếng Anh được xem như một hình thức xâm hại trẻ nhỏ.
"Một số trường hợp, do áp lực tài chính, công việc nên đã đánh mất đạo đức của mình, nghĩ ra loại hình kinh doanh bằng hình ảnh người lớn tự thân, đầu độc những đứa trẻ để kiếm sống.
Nhà trường, phụ huynh luôn cố gắng nghĩ cách giúp trẻ tránh xa những hình ảnh đồi trụy, vậy mà một bộ phận người tự xưng là giáo viên, lại tìm cách đầu độc con trẻ. Việc để lộ những hình ảnh, hành động nhạy cảm sẽ khiến học sinh có những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc; từ đó, thầy cô, cha mẹ sẽ gặp khó trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ, nhất là trong vấn đề giáo dục giới tính".
Cũng theo chị Hồng, vụ việc này xảy ra, phía trung tâm tiếng Anh cũng cần đứng ra chịu trách nhiệm. Bởi, dù là giáo viên hợp đồng hay bán thời gian, trung tâm phải cử ra người giám sát việc dạy học của người dạy cũng như người dạy, tránh để xảy ra những tình huống đáng tiếc.
Không chỉ ảnh hưởng tới trẻ em, nhà giáo Trần Thị Ngọc Vân (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cho hay, vụ việc này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự của nghề giáo.
Cô Vân phân tích, thực tế, "cô giáo" trong vụ việc này chỉ là giáo viên bán thời gian của trung tâm, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên "rẽ hướng" sang công việc gia sư tiếng Anh ở các trung tâm, chưa được ký hợp đồng nhân viên chính thức. Do đó, rất có thể, người này chưa được đào tạo và nắm bắt quy định, đạo đức nghề giáo.
"Vấn đề đặt ra là chúng ta cần cẩn trọng vụ loạn danh xưng, lấy danh nghĩa là giáo viên, làm ra những hành động trái thuần phong, mỹ tục, gây ảnh hưởng uy tín của cả một nghề cao quý.
Bên cạnh đó, sự việc này cũng như lời cảnh tỉnh, bài học cho những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Đã lựa chọn nghề giáo, giáo viên cần tuân thủ theo những quy chuẩn nghề nghiệp và tôn trọng quy tắc ứng xử thông thường bởi chúng ta giáo dục học sinh bằng chính nhân cách của mình".
Cần hành xử nhân văn trong mọi tình huống
Giảng dạy tại một trường THPT ở Hà Nội, thầy Nguyễn Quang Tuấn cho biết, sự việc trên như một lời nhắc nhở các thầy cô giáo rằng, việc dạy học, dù là trực tiếp hay trực tuyến cũng cần văn minh và có những quy tắc ứng xử nhất định.
"Theo tôi, để tránh những "tai nạn" như lộ hình ảnh nóng, mỗi thầy cô cần phải tạo nên tính chuyên nghiệp ngay cả khi chỉ dạy một học sinh. Do thầy trò vẫn phải tương tác, nhìn nhau qua màn hình máy tính, nên giáo viên phải giữ sự chuẩn bị trong trang phục, cách nói năng. Ngoài ra, dù dạy học online, song nhà giáo vẫn phải nghiêm túc tuân thủ giờ nào việc nấy, tránh làm những việc nằm ngoài phạm vi học tập.
Trước khi dạy kiến thức, nhà giáo cần phải rèn luyện, định hình nhân cách cho học sinh. Để làm được điều này, thầy cô phải trở thành tấm gương sáng về đạo đức và quy tắc, chuẩn mực ứng xử".
Cũng theo thầy Tuấn, nhà trường và phụ huynh cũng cần trau dồi cho trẻ những kiến thức cơ bản để các con có thể tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng; dạy trẻ biết "lên tiếng" với người lớn nếu chẳng may con bị tiếp xúc với những hình ảnh, nội dung bẩn, dù là vô tình hay có người cố ý tạo dựng, đầu độc con.
Trong khi đó, nhà giáo Vũ Hương Trà (Hải Phòng) có cái nhìn hoàn toàn khác. Cô Trà cho biết, trong sự việc này, hành vi để lộ hình ảnh nhạy cảm của cô giáo tiếng Anh là sai, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, về phía phụ huynh - người trực tiếp đăng tải clip bằng chứng "cô giáo không mặc quần áo trong giờ dạy online" cũng cần xem lại hành động của mình.
Bên cạnh những lợi ích tốt đẹp, mạng xã hội như "con dao hai lưỡi" mà ở đó, luôn có những kẻ "trực chiến", chỉ chờ đợi một vụ việc nào đó, dù chưa biết đúng sai nhưng vẫn sẵn sàng lên tiếng chỉ trích, thậm chí nhục mạ người khác.
"Theo tôi, vị phụ huynh trong câu chuyện này cần tìm cách giải quyết kín đáo, ôn hòa hơn. Chị có thể nhờ bên công an giải quyết, không nên tung lên mạng như vậy. Việc đưa hình ảnh mang tính riêng tư của người khác lên cho bàn dân thiên hạ bình phẩm là hành vi gây ảnh hưởng tới danh dự con người".
Cô Trà cũng chỉ ra thực trạng "xin link" của một bộ phận người dùng mạng xã hội khi clip nhạy cảm này đăng tải trên Facebook.
"Tôi được biết, hiện tại, phía gia đình cũng đã gỡ bài viết và clip sau khi nhận được lời xin lỗi của cô giáo tiếng Anh. Tuy nhiên, trước đó, khi clip xuất hiện trên mạng, rất nhiều người vào bình luận một cách tục tĩu, xin link clip và phát tán.
Đôi khi chỉ một cái nhấp chuột cũng có thể ảnh hưởng to lớn đến cả một cuộc đời hoặc rất nhiều cuộc đời. Không chỉ ảnh hưởng danh dự của người xuất hiện trong clip, việc xin link, phát tán những clip "bẩn" còn tạo ra nhiều mối nguy cho người dùng như mất tài khoản Facebook, lộ thông tin cá nhân…
Bởi vậy, dù sự việc có tiêu cực đến mức nào, chúng ta hãy ứng xử một cách văn minh" - cô Trà cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 21/12, ông T., đại diện trung tâm tiếng Anh này cho biết, cô giáo này 28 tuổi, đã có gia đình.
Cô vốn là nhân viên của một công ty du lịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện cô xin làm bán thời gian ở trung tâm này được vài tháng vì biết cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, trung tâm đã tìm hiểu được biết, sự việc xảy ra vào gần cuối buổi học.
"Lúc đó cô đứng vào một góc khuất để thay quần áo nhưng không ngờ bị lọt vào khuôn hình. Do xảy ra bất ngờ nên ngày hôm sau trấn tĩnh lại, cô giáo đã xin lỗi phụ huynh và học sinh. Đồng thời, cô giáo cũng liên hệ với trung tâm xin nghỉ việc", ông T. cho hay.
Cũng theo ông T., sau khi sự việc xảy ra, ngay trong đêm đó, trung tâm đã xin lỗi gia đình học sinh. Ban đầu, gia đình mong muốn đổi giáo viên hoặc hoàn tiền.
"Chúng tôi đã hoàn tiền cho gia đình phụ huynh học sinh với những buổi chưa học sau này. Hiện tại, cô giáo đang bị sốc tâm lý do phản ứng của cộng đồng mạng. Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ giáo viên này về mặt tư vấn pháp luật do có một số cá nhân tung tin chưa đúng sự thật trên mạng xã hội", ông T. nói.