Bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức đối với giảng viên đại học
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Thông tư Quy định bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Một trong những mục đích của việc bồi dưỡng này là nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức chính trị, lương tâm nghề nghiệp đối với giảng viên.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT mục đích của việc bồi dưỡng này là bổ sung, cập nhật những kiến thức mới về chuyên môn theo chuyên ngành và trình độ đào tạo; yêu cầu của nhiệm vụ năm học và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh giảng viên. Nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học, năng lực tổ chức, quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức chính trị, lương tâm nghề nghiệp đối với giảng viên.
Cụ thể nội dung bồi dưỡng là nâng cao trình độ: các vấn đề mới về giáo dục đại học ở Việt Nam, các xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới và các lĩnh vực liên quan; bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, phương pháp giảng dạy chuyên ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh: gồm các vấn đề về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của giảng viên; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học; các vấn đề phát triển nghề nghiệp (như: ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo…).
Bồi dưỡng theo yêu cầu thay đổi công việc: những vấn đề quản lí nhà nước về giáo dục bao gồm những quy định về chức trách, nhiệm vụ của giảng viên; những kiến thức đổi mới trong quản lí nhà nước về giáo dục đào tạo,...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 7 năm 2013.
Hồng Hạnh