Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2020, tập trung quy hoạch lại trường đại học, chương trình GDPT mới
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2020, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chính là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và rà soát quy hoạch lại các trường đại học.
Sẽ khắc phục được gian lận thi cử, bệnh thành tích
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm 2020, Bộ tập trung tăng cường chỉ đạo các địa phương chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những điều kiện để áp dụng như giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp và sách giáo khoa…
Trách nhiệm của Bộ là ban hành chương trình, sách giáo khoa cũng đã được công bố nhưng quan trọng phải tổ chức triển khai như thế nào và quyết định vấn đề này thuộc về địa phương, nhất là với những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.
“Thực hiện Chương trình phổ thông mới là gốc, nếu thực hiện tốt theo bản thiết kế đó, từng bước một những vấn đề còn tồn tại của giáo dục phổ thông hiện nay sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp mất đi như thi cử, bệnh thành tích, dạy thêm học thêm sẽ được khắc phục. ” – Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Về chăm lo đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ rà soát các chính sách cho nhà giáo, những gì có thể làm được trong thẩm quyền để thầy cô tốt hơn thì ta phải làm ngay.
Trong đó, rà soát các văn bản quy định về vấn đề sổ sách của giáo viên và ban hành văn bản chấn chỉnh. Sau khi văn bản này được ban hành và quán triệt đến từng địa phương, cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo đã thấy “dễ thở hơn”, cởi bỏ cho giáo viên những quy định không đáng có.
“Bộ đang nỗ lực xây dựng thang bảng lương giáo viên để sắp tới trình Chính phủ, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho giáo viên, bởi hiện nay lương khởi điểm của giáo viên, nhất là mầm non rất thấp, tính ra chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên cho những thầy cô mới vào nghề, thâm niên chưa dài nhưng thang bậc được cải thiện” – Bộ trưởng Nhạ bày tỏ.
Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát các chuẩn, quy chuẩn của giáo viên để loại bỏ những gì không còn phù hợp. Đặc biệt tạo điều kiện cho các thầy cô được tự học để đạt chuẩn.
Trình Chính phủ 2 đề án về sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học
Chia sẻ về triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Nhạ cho biết, tới đây, tự chủ đại học cần phải triển khai rất gấp rút nhưng phải căn cơ, tránh trường hợp có những rối loạn, đổ vỡ.
“Trong tự chủ đại học, tôi quan tâm sâu tới Hội đồng trường để Hội đồng phải thực quyền, quá trình chuyển đổi từ không thực quyền sang thực quyền là vô cùng khó khăn” – Bộ trưởng Nhạ nói.
Về việc quy hoạch đại học, Bộ trưởng Nhạ cho hay, để chuẩn bị cho nhiệm vụ quy hoạch giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ 2 đề án là Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm. Đây chưa phải là quy hoạch mà mới là rà soát bước đầu.
Theo đó, những trường nào gần nhau về ngành nghề đào tạo, những trường yếu phải tính đến sáp nhập hay giải thể, còn có sáp nhập, giải thể hay không phải căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn chứ không phải căn cứ về mặt hành chính. Nhưng nhìn chung, hệ thống giáo dục đại học phải được sắp xếp một cách hợp lý, tránh tình trạng dàn trải, không phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, bài toán quy hoạch phải được nhìn tổng thể, cơ cấu về không gian, về ngành nghề, có nghiên cứu, tính toán tốt và có tầm nhìn dài, để 10 năm sau chúng ta sẽ có được hệ thống giáo dục đại học tốt, hình thành nên các khu đại học, các trường đại học lớn, có tầm vóc, theo đó khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.
Thu Minh