Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không để sĩ số lớp học đông khi sáp nhập trường
(Dân trí) - Tại buổi khảo sát tình hình sáp nhập, dồn dịch trường, điểm trường tại một số cơ sở giáo dục tại tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, dồn dịch hay sáp nhập phải kiên định đảm bảo tiêu chuẩn sư phạm, sáp nhập phải tốt lên chứ không phải để “gọn trường, chật lớp”.
Tại tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến khảo sát tại Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, đây là trường nằm sát biên giới Việt - Lào và là 1 trong 3 trường trên địa bàn huyện thực hiện sáp nhập thành trường liên cấp Tiểu học và THCS.
Báo cáo với Bộ trưởng, thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi tiến hành sáp nhập, trường có 34 biên chế, trong đó cấp Tiểu học có 17 biên chế, cấp THCS có 17 biên chế. Sau khi sáp nhập, trường đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy và giảm được 6 biên chế.
Sau khi sáp nhập, quy mô của trường được mở rộng, việc tổ chức các hoạt động linh hoạt hơn, giảm bớt được các đầu mối chồng chéo. Đặc biệt, số lượng giáo viên được đảm bảo theo cơ cấu môn học, kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm tập trung hơn. Tuy nhiên, việc sáp nhập thời gian đầu cũng còn những khó khăn, nhất là trong bố trí, sắp xếp hoạt động của học sinh, giáo viên và cho công tác quản lý.
Kiến nghị với Bộ trưởng, thầy Dũng chia sẻ, cấp Tiểu học trước khi sáp nhập là trường phổ thông dân tộc bán trú nên cán bộ quản lý, giáo viên được hưởng chính sách hỗ trợ, sau khi sáp nhập không còn là trường phổ thông dân tộc bán trú nữa nên giáo viên không còn được hưởng chính sách dù việc chăm sóc, quản lý vẫn thực hiện như trước, vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT chỉnh sửa quy định hiện hành để giáo viên được thụ hưởng chính sách này.
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung trong việc sáp nhập, dồn dịch các trường, điểm trường, từng bước thu gọn đầu mối, thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, dồn dịch hay sáp nhập phải kiên định đảm bảo tiêu chuẩn sư phạm, sáp nhập phải tốt lên chứ không phải để “gọn trường, chật lớp”.
Bộ trưởng yêu cầu, ngành giáo dục địa phương cần có phương án để giãn học sinh trong trường hợp sáp nhập dẫn tới sĩ số học sinh đông, đồng thời có phương án đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh sau khi sáp nhập. Đây cũng là vấn đề quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ trưởng cho rằng, sáp nhập, dồn dịch trường, điểm trường là một việc khó, liên quan đến nhân sự, vì vậy, cần làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để mỗi người đồng thuận với sự phân công, điều động, sắp xếp mới, tránh để có những “tâm tư” trong đội ngũ. Ngoài ra, quá trình sáp nhập giữa các cấp học cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý của học sinh, đặc biệt là học sinh trong diện bán trú.
Bộ trưởng giao các vụ, cục chức năng của Bộ rà soát các văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền của Bộ để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quá trình sáp nhập, dồn dịch trường lớp đang diễn ra nhanh tại các địa phương.
Nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên vùng cao
Tại buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Trong đó, mối quan tâm lớn nhất hiện nay của giáo dục Điện Biên là chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giải đáp những băn khoăn về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo một số trường sư phạm trọng điểm xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng phù hợp với 4 nhóm đối tượng cụ thể: Cán bộ quản lý cấp sở, phòng; đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó; giảng viên các trường sư phạm và đội ngũ giáo viên.
Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý phải đi trước một bước về nhận thức và hành động đổi mới, có như vậy mới thuận lợi cho những bước tiếp theo. Quan trọng của đội ngũ này phải là đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, nếu lừng khừng, còn nhiều băn khoăn sẽ rất khó khăn. Đội ngũ hiệu trưởng cũng rất quan trọng, vì vậy, việc bồi dưỡng rất cần được chú trọng.
Để khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức bồi dưỡng hiện nay, các chuyên đề sẽ được xây dựng với các yêu cầu cụ thể, đáp ứng việc nâng cao chất lượng cho từng nhóm đối tượng, tránh chung chung. Quá trình bồi dưỡng sẽ bắt đầu từ đội ngũ cốt cán được lựa chọn từ các địa phương, sau đó nhân rộng ra đại trà.
Bộ trưởng cũng đề cập đến hình thức bồi dưỡng, trong đó trực tuyến được ưu tiên trước. Theo Bộ trưởng, hình thức này sẽ phát huy tác dụng ngay với những tỉnh miền núi điều kiện đi lại còn khó khăn như Điện Biên. Ngoài ra, quá trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý lần này sẽ chú trọng tới vấn đề tương tác, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề sư phạm cụ thể.
Chia sẻ khó khăn, vất vả với giáo viên vùng cao, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, nhằm làm giảm áp lực, tạo động lực cho đội ngũ, nhất là những giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng lưu ý, một mặt ngành giáo dục Điện Biên cần tăng cường điều kiện thuận lợi cho thầy cô, mặt khác cần kiểm soát, lắng nghe tâm tư của giáo viên để không xảy ra những vi phạm đạo đức nhà giáo.
Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Điện Biên có lộ trình để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trước hết cho bậc tiểu học, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, từng bước giảm dần trường tạm, lớp tạm, giãn sĩ số học sinh/lớp.
Đối với việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương, Bộ trưởng mong rằng, Điện Biên sẽ là điểm sáng trong quá trình xây dựng chương trình này. Bởi Điện Biên là địa danh lịch sử, có rất nhiều tư liệu quý, không chỉ cho Điện Biên mà còn cho cả nước.
Minh Thu