Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Cần phải có “nhạc trưởng” trong biên soạn SGK mới

(Dân trí) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, cần phải có một “nhạc trưởng” trong quá trình biên soạn SGK. Trong lần làm sách này Bộ đã có bàn bạc và sẽ có tổng chủ biên toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, cụ thể cá nhân nào vẫn chưa được Bộ trưởng công bố.

Đúng 8h sáng nay, Quốc hội tiếp tục làm việc với phần trả lời của Bộ trường Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Về câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến soạn thảo sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc biên soạn SGK ở các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới thường có các bán bộ chuyên gia ở trong các viện nghiên cứu làm.

Ở Việt Nam từ trước đến nay đều huy động đội ngũ thầy cô giáo có kinh nghiệm và có điều kiện để tham gia viết sách giáo khoa và lần này biên soạn SGK mới này cũng làm như vậy. Để chuẩn bị cho những lần làm tới đây, Bộ GD&ĐT đang lựa chọn những cán bộ tốt cử đi đào tạo chuyên sâu để phục vụ cho việc viết sách giáo khoa.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết có khoảng 200 thầy cô giáo tham gia việc biên soạn SGK mới.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết có khoảng 200 thầy cô giáo tham gia việc biên soạn SGK mới.

“Chúng tôi đã làm việc với các tổ chức giáo dục để có được sự lựa chọn, giới thiệu của các cơ sở về đội ngũ nhà giáo ưu tú. Hiện Bộ đã huy động khoảng 200 thầy cô giáo tham gia việc biên soạn SGK”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Cũng theo Bộ trưởng, ưu điểm của chương trình SGK mới tập trung vào giảm quá tải, giảm những kiến thức khó, mang tính hàn lâm xa rời cuộc sống, chuyển sang hướng phát triển năng lực.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc Hội Bùi Thị An đến từ Hà Nội về việc “ai là nhạc trưởng trong biên soạn SGK”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, cần phải có một nhạc trưởng trong quá trình biên soạn SGK.
 
Trong lần làm sách này Bộ đã có bàn bạc và sẽ có tổng chủ biên toàn bộ chương trình, có cả chủ biên cho từng môn, có chỉ huy theo cả chiều ngang và chiều dọc để làm sao SGK phù hợp với các em học sinh, tránh các sai sót.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết cần phải có nhạc trưởng trong biên soạn SGK mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết cần phải có "nhạc trưởng" trong biên soạn SGK mới

Về việc thi tuyển vào lớp 6 gây khó khăn mà Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, Bộ G&ĐT cho hay, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của nghị quyết Trung ương về việc không có trường chuyên lớp chọn nên Bộ chủ trương không tổ chức việc thi cử vào lớp 6. Các trường vì thay đổi lúc đầu nên có lúng túng.

Sau khi chỉ đạo các sở phối hợp các trường lập phương án, xem xét phê duyệt phương án phù hợp với điều kiện từng khu vực, cho đến nay các trường đều đã giải quyết xong chuyện tuyển sinh.

Về mục tiêu của giáo dục ngoại ngữ ở phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời ngắn gọn rằng sẽ đặt ra mục tiêu giáo dục cho học sinh nghe, nói, đọc, viết và sẽ có chuẩn cho từng cấp bậc học của học sinh.
 
Các chuẩn giáo dục ngoại ngữ này có tham chiếu với giáo dục ngoại ngữ của châu Âu, mang tính hội nhập thay vì mang tính chất "ao nhà" như chứng chỉ A,B,C ngoại ngữ như trước đây.

Về việc triển khai đánh giá học sinh tiểu học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định việc học tập mô hình nước ngoài mà sao chép một cách máy móc dễ dẫn đến thất bại.

Còn mô hình Bộ đang triển khai đã được thí điểm ở những nơi khó khăn của đất nước và triển khai trong điều kiện hiện tại của nhà trường, triển khai mượt mà, mềm mại. Chỉ có vấn đề về tâm lý, thói quen, ở bước đầu tiên không thể nào suôn sẻ được hết.

Cũng hơn một lần, người đứng đầu Bộ GD& ĐT khẳng định "Chúng tôi cũng xin tiếp thu rút kinh nghiệm về lời cảnh báo của đại biểu" về vấn đề này.
 
Sau 30 phút trả lời chất vấn sáng nay (13/6), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoàn thành phần trả lời chất vấn trước đại biểu quốc hội và cử tri cả nước. Sau bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đến lượt Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên báo cáo và trả lời chất vấn tại quốc hội lần này.

Lê Tú