Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ gặp gỡ sinh viên ĐH Ngoại thương

(Dân trí) - Chiều qua 10/7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc nói chuyện với SV trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nhân kỷ niệm 20 năm hoạt động của học bổng Fullbright.

Cùng tham dự là hơn 200 cựu sinh viên chương trình Fulbright và một số chương trình giáo dục khác của Hoa Kỳ, cùng với các sinh viên Đại học Ngoại thương. Nữ cựu sinh viên Fulbright đồng thời là Trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, Thảo Griffiths, là người dẫn chương trình của sự kiện này.

Bộ trưởng Clinton đánh giá cao chương trình Fulbright nhân dịp kỷ niệm 20 năm chương trình hoạt động tại Việt Nam và nhấn mạnh vai trò của các cựu sinh viên trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam và đóng góp vào sự gia tăng quan hệ song phương của hai nước.
 
Ngoại trưởng Mỹ trao đổi với sinh viên ĐH Ngoại thương xoay quanh về học

Ngoại trưởng Mỹ trao đổi với sinh viên ĐH Ngoại thương xoay quanh về học bổng Fullbright. (Ảnh BBC)

Bộ trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, học bổng Fullbright là một học bổng danh tiếng của Chính phủ Mỹ dành cho các học giả ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Niều sinh viên, học giả của Việt Nam sau khi giành được học bổng Fullbright để theo học tại Mỹ đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong những lĩnh vực mà họ theo học.

“Fullbright là học bổng danh tiếng của Chính phủ Mỹ trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng, học bổng Fullbright đã đạt được những sứ mệnh mà nó cần có, đó là không chỉ trang bị cho các bạn những kỹ năng mà nền giáo dục Mỹ có thể mang lại mà còn tạo ra những mối quan hệ rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ. Chương trình học bổng Fullbright đã giúp tăng cường hiểu biết giữa hai quốc gia thông qua trao đổi giáo dục và văn hóa rất rõ nét, đồng thời trợ giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khuôn khổ mở rộng quan hệ song phương của hai nước” - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton nói.

Bà Hillary Clinton cũng nhấn mạnh, chương trình Fulbright sẽ vẫn nỗ lực mở rộng phạm vi, tiếp cận với nhiều trường, viện trên khắp Việt Nam để đảm bảo các học giả và sinh viên tham gia chương trình thể hiện rõ nét sự đa dạng của các vùng, miền.

Được biết, trong 20 năm qua, chương trình học bổng Fulbright đã đưa hơn 1.000 sinh viên, giáo viên và học giả Việt Nam sang Mỹ để học tập và nghiên cứu nâng cao. Các cựu sinh viên Fulbright như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường là bằng chứng thực về mục đích hàng đầu của chương trình là nhằm tăng cường hiểu biết giữa hai quốc gia thông qua trao đổi giáo dục và văn hoá cũng như ảnh hưởng của Fulbright trong việc trợ giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khuôn khổ mở rộng quan hệ song phương của hai nước.

N.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm