Bộ trưởng Bộ Giáo dục trải lòng cùng thầy cô nơi đầu sóng
(Dân trí) - Ngày 13/11, tại Hà Nội, 42 giáo viên tiêu biểu, đại diện cho gần 800 giáo viên đang “đầu sóng ngọn gió” tại các huyện đảo đã có mặt tại Hà Nội để dự lễ tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016. Sau khi lắng nghe tâm tư, ý kiến của các thầy cô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những trải lòng đầy tâm huyết.
Giáo dục vùng khó khăn tốt lên mới quan trọng
“Chúng ta dùng các mĩ từ để ghi nhận công lao của các thầy cô chưa đủ. Hãy giảm các mĩ từ đi, để nghe những tâm sự rất thật lòng của các thầy cô ở huyện đảo, về khó khăn đang gặp phải. Tôi muốn chính các thầy cô chia sẻ ở đây, người thật, việc thật, để chúng tôi không phải nghe qua trung gian nữa.
Tôi nghĩ, một bằng khen, một phần thưởng cũng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là từ cơ chế chính sách nào để giáo dục vùng khó khăn tốt lên mới quan trọng. Trong các đề nghị của các thầy cô, tôi sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn, Trung ương Hội cố gắng có lộ trình đáp ứng được tối đa, dù là nhỏ nhất, nhưng chính sách sát được với cuộc sống của các cô, các thầy hiệu quả thì đấy là ghi nhận, tri ân hiệu quả nhất”.
Mở đầu buổi lễ tuyên dương, GS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ ấm áp, thân tình trên đây đối với những thầy cô đang ngày đêm nơi cánh sóng.
Bộ trưởng cho biết, trong báo cáo gửi Quốc Hội vừa qua, ông không dấu diếm điều gì mà nhìn nhận rất chân thành những gì đã đạt được, những gì còn tồn tại và chưa làm được để dần tìm cách tháo gỡ sao cho tốt lên.
“Tôi muốn các thầy cô chia sẻ ngắn gọn về những khó khăn. Có lẽ tôi không nên phát biểu nhiều mà dành thời gian cho các thầy cô nói những điều mình suy nghĩ bởi các thầy cô ở đây, đại diện cho gần 800 giáo viên vùng biển đảo đang ngày đêm vật lộn với khó khăn. Những gì thuộc thẩm quyền, tôi có thể giải quyết. Những gì ngoài tầm, tôi sẽ báo cáo lên cấp cao hơn để có giải pháp,” Bộ trưởng cho hay.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực và bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới các thầy cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn để bám đảo, bám trường, truyền tải kiến thức cho học sinh vùng biển đảo. Đồng thời, mong muốn các thầy giáo, cô giáo phát huy thành tích đã đạt được tiếp tục có nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo trong giảng dạy, xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, góp phần cùng toàn ngành thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Giảm học phí cần có lộ trình
Trả lời những băn khoăn của giáo viên về những khó khăn trong công tác dạy học ở huyện đảo xa xôi, Bộ trưởng đã chia ra các nhóm vấn đề cấp bách hiện nay. Thứ nhất, nhóm vấn đề liên quan đến việc miễn giảm học phí cho học sinh huyện đảo để giảm tình trạng bỏ học, Bộ trưởng nhận xét, những câu chuyện của các thầy cô rất cảm động. So với khả năng tài chính còn rất khó khăn, việc giảm học phí cũng cần có lộ trình.
“Biện pháp có tính gốc rễ nhất là làm sao cho các cháu được học và phải thoát nghèo. Muốn thoát nghèo phải học, biết chữ để biết được thoát nghèo như thế nào. Chúng tôi đánh giá cao việc cho các cháu vùng khó khăn được đến trường đầy đủ. Những đầu tư về giáo dục rất quan trọng và đặc biệt cho học sinh xã đảo và cần có những đầu tư tại chỗ để các cháu không bị thất học”, Bộ trưởng khẳng định.
Về nhóm vấn đề liên quan đến điều kiện trường lớp, theo Bộ trưởng, gần đây đã có sự đầu tư vượt bậc nhưng chưa đồng bộ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở, các nhà tài trợ để có nhiều nguồn đầu tư chất lượng.
Về nhóm ý kiến liên quan đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tiếp: Đây là vấn đề quan trọng bởi những "hạt giống" có năng lực tốt được tiếp tục học là lợi ích kép. Chính họ sẽ là những người sau này đóng góp cho quê hương mình, sẽ có những đầu tư cho học sinh thế hệ sau trên quê hương.
Bộ sẽ xem xét và bàn với các trường ĐH, CĐ để giảm học phí, phối hợp với các doanh nghiệp có học bổng để các em yên tâm, không phải ban ngày đi học, buổi tối vào làm ở quán cà phê.
Về nhóm vấn đề liên quan đến giáo viên, Bộ trưởng cho hay, tất cả các thầy cô không chỉ gieo con chữ mà phải là tấm gương sáng cho học sinh. Tới đây, Bộ trưởng đề nghị Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sẽ làm việc với các Sở GD&ĐT, cần có những biện pháp cụ thể hỗ trợ thiết thực để các thầy cô tiếp cận với điều kiện giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học, ưu tiên cho những thầy cô tại các huyện đảo.
Sau đó, Bộ sẽ chỉ đạo thực hiện các dự án tập trung tại vùng khó khăn, đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa. “Bộ sẽ làm việc với các địa phương để có hướng chung tay góp sức để thành một tổng thể. Nếu hai cơ quan cùng chung tay giúp một đối tượng, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”,Bộ trưởng khẳng định.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)