Bỏ thi vào lớp 6 trường điểm, lợi bất cập hại: Cấm thi, hệ lụy còn nặng nề hơn

Theo TS Đàm Quang Minh, chuyên gia về đổi mới giáo dục, tổ chức thi vào lớp 6 các trường THCS chất lượng cao hay cấm thi đều có những thuận lợi và bất cập. Tuy nhiên, giải pháp cấm thi đầu vào mà chỉ xét tuyển còn đem lại hệ luỵ nặng nề hơn khi các phụ huynh lao vào cuộc đua làm đẹp học bạ và các giải thưởng tại các cuộc thi gồm cả kiến thức lẫn thể thao.

Bỏ thi vào lớp 6 trường điểm, lợi bất cập hại: Cấm thi, hệ lụy còn nặng nề hơn - 1

TS Đàm Quang Minh đã có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này.

Là “sản phẩm” của trường chuyên từ bậc tiểu học, ông đánh giá thế nào về hệ thống đào tạo chuyên? Theo ông hệ thống chuyên nên bắt đầu từ cấp nào?

Hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam có nhiều điểm tích cực, một phần trong đó chính là hệ thống giáo dục theo mô hình trường chuyên. Hệ thống này đã là nền tảng cho việc đào tạo được nhiều chuyên gia cho Việt Nam, trong đó có những nhà khoa học ở tầm cỡ thế giới như GS Ngô Bảo Châu hay GS Đàm Thanh Sơn. Một trong những hệ thống có tính phân luồng hiệu quả nhất là của nước Đức với hệ thống trường chuyên, chọn chiếm khoảng 28% tổng số học sinh bắt đầu từ sau bậc tiểu học. Tôi cũng cho rằng các chương trình học nâng cao cho học sinh giỏi nên bắt đầu từ cấp THCS của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc lựa chọn tiêu chí phụ làm tiêu chí chính trong xét tuyển thực sự không ổn vì không chọn được học sinh thật sự giỏi để tạo nguồn cho các trường THPT chuyên. Đồng thời không công bằng với mọi thí sinh. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Thực tế trước năm 2015, để chuẩn bị vào các lớp chuyên, cũng đã có nhiều vấn đề liên quan đến việc ép các học sinh tiểu học tham gia các lớp ôn luyện. Nhiều học sinh đã phải luyện tại các trung tâm từ lớp 3 để có thể thi được kỳ thi đầu vào của các trường chuyên như Trần Đại Nghĩa hay Hà Nội - Amsterdam.

Tuy nhiên, giải pháp cấm thi đầu vào mà chỉ xét tuyển còn đem lại hệ luỵ nặng nề hơn khi các phụ huynh lao vào cuộc đua làm đẹp học bạ và các giải thưởng tại các cuộc thi gồm cả kiến thức lẫn thể thao. Tình trạng bùng nổ tham gia các kỳ thi và làm đẹp hồ sơ thái quá đã khiến cho các trường chuyên bối rối và không đạt được mục tiêu tuyển được các học sinh giỏi. Tại nhiều lớp học, các học sinh lớp chuyên nhưng năng lực không tương xứng đã gây nhiều khó khăn cho giảng dạy và tạo áp lực không cần thiết cho các học sinh có lực học thấp hơn chuẩn nhưng nhập học do có hồ sơ đẹp.

Giải pháp của ông cho vấn đề này là gì?

Với thực tế hiện nay, biện pháp xét tuyển hồ sơ rõ ràng không phải giải pháp có tính phân loại tốt và gây nhiều vấn đề xã hội do việc chạy thành tích cho học sinh. Do vậy, việc chỉ xét tuyển là không phù hợp. Việc có những bài kiểm tra năng lực đầu vào hợp lý vẫn là phương án công bằng và hiệu quả hơn. Với hệ thống trường chuyên chọn của Đức thì việc lựa chọn đầu vào sẽ phụ thuộc vào quy định từng trường theo 3 phương án chính: Xét tuyển, thư giới thiệu của giáo viên hoặc làm bài thi đầu vào.

Hơn ai hết các trường sẽ phải chịu trách nhiệm về việc chất lượng giảng dạy, do đó các trường nên được quyền tự quyết định đầu vào cho hợp lý thay vì một quy định cứng nhắc. Hơn nữa để kỳ thi đầu cấp không trở nên nặng nề và khuyến khích việc cố gắng học tập, việc thi chuyển trường có thể thực hiện hàng năm để học sinh có thể vào các lớp chuyên không chỉ đầu cấp và các học sinh học lực yếu hơn có thể chuyển sang môi trường phù hợp hơn.

Xin cảm ơn ông.

Theo Hoa Ban

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm