Bố mẹ lên thành phố làm thuê, trẻ phải về quê học

Mỹ Hà

(Dân trí) - Nhiều gia đình bố mẹ di cư lên thành phố làm thuê nhưng trẻ phải về quê học vì "vướng" vấn đề hộ khẩu. Đấy là một trong những khoảng trống lớn mà lao động di cư gặp phải.

Khoảng 30% trẻ em di cư dưới 36 tháng vào nhóm lớp tự phát

Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam", do Trường Đại học Công đoàn tổ chức ngày 17/6, TS Nguyễn Hải Hữu - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết, con em lao động di cư đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận giáo dục mầm non, cũng như quyền thụ hưởng chăm sóc và vui chơi.

Hiện cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, với tổng số 2,8 triệu lao động, trong khi mới chỉ có 112 trường mầm non ở các khu này.

Điều đó, dẫn tới tình trạng thiếu cơ sở mầm non công lập trầm trọng cho trẻ em.

Bố mẹ lên thành phố làm thuê, trẻ phải về quê học - 1

Nhiều gia đình bố mẹ di cư lên thành phố làm thuê nhưng trẻ phải về quê học vì "vướng" vấn đề hộ khẩu (Ảnh: M.H).

Mặc dù Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong các khu có đông lao động nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non không đủ, dẫn đến thiếu trường lớp nghiêm trọng.

Theo chuyên gia này, hiện khoảng 30% trẻ em di cư dưới 36 tháng tuổi chưa tiếp cận được với dịch vụ giáo dục mầm non trên địa bàn, các gia đình vẫn phải gửi vào các nhóm trông trẻ tự phát chưa đảm bảo an toàn.

Thậm chí một số người lao động di cư làm việc trong các hu công nghiệp (KCN) phải đưa người thân từ quê lên ở cùng để trông trẻ.

Trẻ em di cư đã tiếp cận được với dịch vụ giáo dục tiểu học và THCS nhưng các địa bàn này thường xảy ra quá tải.

Riêng trẻ em di cư ở Hà Nội có nguy cơ cao không tiếp cận được với cả 2 cấp học THCS và THPT khi quy mô dân số địa phương, bao gồm cả trẻ em di cư đến gia tăng và các quy định về hộ khẩu trong tuyển sinh của thành phố này. 

Cụ thể theo chuyên gia này, trẻ em di cư thuộc các hộ gia đình người lao động tại các KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội khó tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông công lập ở cấp học THPT do quy định hộ khẩu thường trú của thành phố Hà Nội về tuyển sinh cấp THPT đối với các trường THPT không chuyên công lập.

Các gia đình phải cho con học trường tư thục ở cấp học này với chi phí học tập cao vượt khả năng chi trả của đa số hộ gia đình người lao động di cư làm việc tại các KCN.

Kết quả là đa số trẻ em di cư thuộc các gia đình người lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội phải trở về quê học, dẫn đến thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ.

Bố mẹ lên thành phố làm thuê, trẻ phải về quê học - 2

Thiếu trường mầm non nghiêm trọng, nhất là các khu công nghiệp (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thiếu hụt trường mầm non

Chia sẻ tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, trẻ em di cư vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non.

"Mặc dù Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong các khu có đông lao động nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non không đủ.

Vấn đề hộ khẩu, tình trạng đăng ký cư trú là rào cản lớn đến khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục công lập đối với lao động di cư.

Việc trông giữ trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi do các KCN còn khó khăn do thiếu cơ sở giáo dục mầm non hoặc địa phương chưa tổ chức trông giữ trẻ để người lao động có thể gửi con", TS Nguyễn Hải Hữu cho biết.

Chuyên gia này cho rằng, số lượng cơ sở giáo dục mầm non của các địa phương có hạn, đặc biệt là cơ sở công lập chưa đáp ứng được nhu cầu dịch vụ của các hộ gia đình di cư.

Các cơ sở mầm non tư thục có giờ giấc linh hoạt hơn nhưng chi phí khá cao so với thu nhập của người lao động…

Trong khi đó GS.TS Đặng Nguyên Anh (Viện Xã hội học) cho hay, việc tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế.

Qua khảo sát cho thấy, tại các khu công nghiệp còn thiếu hụt trường mầm non, mẫu giáo. Hiện mới đáp ứng được 45% nhu cầu của người lao động di cư.

Trẻ em trong các gia đình di cư theo học các trường dân lập với chi phí cao hơn bởi hộ khẩu và tạm trú là vấn đề khó khăn với đối tượng này.

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) khẳng định, chính sách an sinh xã hội đúng đắn là động lực to lớn để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta vẫn còn những "khoảng trống".

Theo số liệu của Tổ chức di cư quốc tế (IOM - International Organization for Migration) và Tổng cục Thống kê Việt Nam, hiện vẫn còn hàng trăm nghìn lao động Việt Nam di cư nội địa và di cư quốc tế gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định nơi ở, khó khăn trong thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục.

Do vậy, PGS.TS Hùng cho rằng, bài toán cấp bách đặt ra là cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm