Giáo viên mầm non làm 3 nhiệm vụ một lượt, áp lực lớn, chế độ thấp
(Dân trí) - Lãnh đạo ngành giáo dục một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, giáo viên mầm non áp lực công việc rất lớn khi thực hiện 3 nhiệm vụ một lượt nhưng chế độ chính sách còn khá thấp.
Chia sẻ tại hội thảo liên quan đến giáo dục mầm non (GDMN) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 18/5, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, cho biết nhiều năm qua, GDMN các tỉnh đã có những giải pháp hay, mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, cộng đồng xã hội.
"Có được kết quả đó là nhờ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non yêu nghề, tận tâm, tận lực với công việc. Thật sự, nếu giáo viên mầm non không yêu nghề, không mến trẻ thì không làm được nhiệm vụ này", bà Nhuận nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu giáo viên mầm non, như tỉnh Bến Tre thiếu hơn 600 giáo viên. Theo bà Trương Thanh Nhuận, thiếu như vậy do biên chế bị cắt giảm hàng năm hoặc nếu được phân biên chế cũng không đủ nguồn tuyển dụng.
Song song đó, chính sách cho giáo viên mầm non chưa hợp lý, như: Lương thấp nhất so với giáo viên ở các cấp học khác; giờ làm việc lại nhiều hơn; đặc thù công việc 3 nhiệm vụ một lượt (nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục) nhưng phụ cấp ưu đãi chỉ 35%, bằng với các bậc học khác;…
"Do đặc thù công việc nên giáo viên mầm non áp lực rất lớn, không chỉ đến trường đối diện với phụ huynh, phải đảm bảo an toàn cho các học sinh, mà về nhà còn đối diện với những áp lực gia đình", bà Nhuận nêu thực tế.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cũng chia sẻ, về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, ngành nắm được tâm tư của các cô giáo là đặc thù công việc áp lực cao nên mong được nghỉ hưu sớm. Hơn nữa, tới một độ tuổi nào đó thì các cô không thể làm tốt như các cô giáo trẻ hơn.
Do đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long kiến nghị thang bảng lương cho giáo viên mầm non phải phù hợp với đặc thù công việc. Tỉnh cũng rất ủng hộ với mong muốn phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non ở vùng bình thường là 70% và vùng khó khăn là 100%.
Bà Trương Thanh Nhuận cũng gợi mở các địa phương nên tham mưu cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh có chính sách đặc thù cho giáo viên mầm non.
"Tỉnh nào nguồn lực lớn thì hỗ trợ nhiều, nguồn lực ít thì hỗ trợ ít. Như tỉnh Vĩnh Long đang tham mưu chính sách hỗ trợ hàng tháng khoảng 0,3% mức lương cơ sở. Nếu tính theo mức lương tăng từ tháng 7 thì hỗ trợ được 540.000 đồng/tháng. Đây cũng là sự quan tâm của tỉnh đối với giáo viên mầm non, làm động lực để các giáo viên cống hiến", bà Nhuận chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho rằng đặc thù của giáo viên mầm non về công việc, thời gian,… yêu cầu rất cao. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho đối tượng này đang rất thiệt thòi.
Nói riêng về tăng tuổi nghỉ hưu, theo bà Diễm, đây là một vấn đề đối với giáo viên mầm non rất cần được xem xét lại.
"Vừa rồi, khi lấy ý kiến sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ GD&ĐT có đề xuất đối với giáo viên mầm non cần xem xét không phải đến 60 tuổi mới nghỉ hưu, mà có thể 55 tuổi là đủ thời gian nghỉ hưu.
Đề xuất này được sự đồng thuận rất cao. Bởi vì các cô giáo mầm non khi lớn tuổi, với yêu cầu các hoạt động văn hóa văn nghệ về mặt hình thể thì đặc thù các cháu mầm non không phù hợp, khi các cháu rất thích cô giáo trẻ, đó là thực tế", bà Diễm cho hay.
Tuy nhiên, các chế độ chính sách, tuổi nghỉ hưu như nói trên theo lãnh đạo các Sở GD&ĐT, hiện chưa có một tín hiệu chính thức nào. Các địa phương hy vọng cấp thẩm quyền sẽ sớm xem xét để góp phần giảm bớt áp lực cho giáo viên mầm non.
Bà Hoàng Thị Dinh, Phó vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), cho biết với các kiến nghị, đề xuất, Vụ sẽ ghi nhận, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ GD&ĐT từng bước xem xét có những giải pháp hợp lý.