Bộ Giáo dục trả lời về hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bị đình chỉ chức vụ
(Dân trí) - Chiều tối ngày 30/9, tại buổi họp báo, Bộ GD&ĐT đã trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng bị cơ quan chủ quản đình chỉ chức vụ.
Tại buổi họp báo, phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về vấn đề tự chủ đại học của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cụ thể:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng để kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền, có đúng luật hay không? Bởi vì theo Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 thì Hội đồng trường có quyền quyết định nhân sự Hiệu trưởng.
- Thực hiện tự chủ đại học ở trường công lập là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, hiện nay các trường đại học thực hiện tự chủ gặp rất nhiều khó khăn, khó thực hiện vì vướng nhiều luật khác như Luật Tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức, Viên chức... Bộ GD&ĐT tháo gỡ khó khăn này như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 (Nghị quyết 77). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới hoạt động cho 23 trường đại học trong cả nước, trong đó có trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện tổng kết thí điểm tự chủ ở 23 trường đại học và cho thấy, việc thí điểm tự chủ mang lại tích cực trên phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ giảng viên, quan hệ quốc tế, cơ sở vật chất…
Kết thúc giai đoạn thí điểm, Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ đã tiếp thu những điểm tích cực sau giai đoạn thí điểm để thể chế hóa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi giáo dục đại học số 34/2018/QH14 năm 2018, có hiệu lực năm 2019.
Theo đó, với các trường đại học ngoài thực hiện Luật sửa đổi số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP thì vẫn phải thực hiện theo Luật Giáo dục đại học năm 2012.
Tuy nhiên, các trường đại học đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang chịu chi phối bởi rất nhiều luật khác… và nếu vi phạm kỷ luật thì sẽ liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm.
Theo thứ trưởng Phúc, Luật Giáo dục năm 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi số 34 đã quy định, với cơ sở giáo dục đại học công lập thì các tổ chức đảng và đảng viên, đoàn thể thực hiện theo quy định của Đảng.
Do đó, việc giải quyết và xử lý liên quan tới trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay, các cơ quan hữu quan không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi số 34, Nghị định 99 mà vận dụng tất cả các quy định của pháp luật, các luật khác liên quan đến sự nghiệp công lập. Đối với trường hợp, đảng viên và tổ chức đảng áp dụng các quy định của đảng.
Cũng tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, trong thời gian thí điểm tự chủ trường ĐH Tôn Đức Thắng đã mang lại nhiều thành tích thay đổi, đổi mới trong quá trình dạy học từ chuyên môn cho đến nghiên cứu khoa học.
Những kết quả của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được ghi nhận tại hội nghị sơ kết thí điểm về tự chủ theo Nghị quyết 77 năm 2017. Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề tự chủ đại học.
Theo bà Thủy, bên cạnh những kết quả đạt được đó, Bộ cũng đã nhìn thấy những khó khăn và rà soát tiếp thu những khó khăn mà trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có ý kiến.
“Trong quá trình tự chủ đều thực thi đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp của trường ĐH Tôn Đức Thắng, dư luận đang có nhiều quan tâm và vấn đề đang trong quá trình giải quyết. Bộ GD&ĐT cũng đã báo cáo với Chính phủ các vấn đề liên quan tới trường để có phương án giải quyết” – bà Thủy nói.