Bộ Giáo dục tiếp tục thẩm định sách giáo khoa theo chương trình mới
(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định sách giáo khoa cần đăng ký số lượng và tên bản mẫu sách giáo khoa với Vụ Giáo dục trung học trước ngày 20/3 tới.
Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo Thông tư 33 về Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Thông tư 05 sửa đổi một số điều của Thông tư 33.
Trong đó, hồ sơ cần thể hiện các nội dung: số lượng bản mẫu sách giáo khoa; quá trình và kết quả thực nghiệm; ý kiến nhận xét của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên về sách.
Thời hạn tiếp nhận hồ sơ là ngày 28/6.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12 được sử dụng từ năm 2024-2025.
Danh mục sách giáo khoa lớp 12 gồm 39 đầu mục sách giáo khoa với 72 cuốn sách của các môn học, hoạt động giáo dục: ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục thể chất, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, sinh học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.
Riêng sách tin học 12, vật lý 12, hóa học 12 và giáo dục quốc phòng và an ninh 12 chưa được phê duyệt.
Danh mục sách giáo khoa lớp 9 gồm 48 sách giáo khoa của 10 môn học, hoạt động giáo dục: ngữ văn, toán, tiếng Anh, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, công nghệ.
Riêng sách khoa học tự nhiên 9 vẫn chưa có quyết định phê duyệt.
Với danh mục sách giáo khoa lớp 5, Bộ GD&ĐT chưa phê duyệt sách tiếng Việt 5 và khoa học 5.
Năm học 2023-2024, học sinh lớp 5, 9, 12 vẫn đang học sách giáo khoa thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đây là những lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình cũ.
Các bộ sách giáo khoa 5, 9, 12 mới được phê duyệt nói trên sẽ được sử dụng từ năm học 2024-2025.
Năm học 2024-2025 cũng là năm ngành giáo dục sử dụng toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với quyết định phê duyệt sách giáo khoa 5, 9, 12, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, áp dụng từ tháng 2. Theo đó quyền lựa chọn sách giáo khoa được giao về cho nhà trường.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục sẽ do hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu nhà trường) thành lập.
Từ kết quả lựa chọn của các tổ chuyên môn, hội đồng của nhà trường họp thảo luận, thẩm định. Sau đó nhà trường lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) hoặc Sở GD&ĐT (đối với cấp trung học phổ thông).
Ở bước thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, sau đó tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa trình Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.
Cuối cùng, UBND cấp tỉnh đưa ra quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.
Sau khi được phê duyệt, nhà trường phải công khai danh mục này đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30/4 hằng năm.
Trước đó, theo quy định cũ tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT năm 2020, quyền lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thuộc về UBND cấp tỉnh.
Đặc biệt, Thông tư 27 quy định rõ, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa không được tham gia hội đồng. Tứ thân phụ mẫu và anh chị em ruột thịt hai bên vợ/chồng của người làm sách giáo khoa cũng không được phép có mặt trong hội đồng này.
Tương tự, người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được phép liên quan tới hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục.