Bộ Giáo dục làm bộ tiêu chí đánh giá đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

PV

(Dân trí) - "Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện để ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết.

Tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Ngày 27/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".

Hội nghị diễn ra dưới chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cùng đông đảo đại diện của các Bộ, ban ngành, các doanh nghiệp tham dự từ 63 điểm cầu trên cả nước.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện để ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây là thước đo quan trọng giúp cộng đồng đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học và tầm ảnh hưởng của các trường đó với cộng đồng, xã hội", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho hay.

Bộ Giáo dục làm bộ tiêu chí đánh giá đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - 1

Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Theo báo cáo, sau 5 năm triển khai, Đề án 1665 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục. Các kết quả của đề án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022). 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.

Khởi nghiệp cũng góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới.

Hiện cả nước có 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo. 60% các trường thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh đào tạo. 90 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh sinh viên (HSSV).

Có 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Trong đó, 10 trung tâm đã và đang thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông; hỗ trợ 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; ký kết với 8 doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ trong việc huy động nguồn lực triển khai Đề án 1665 giai đoạn 2 (năm 2022-2025)

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, hàng năm, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức các ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên, tạo sự kết nối giữa 3 chủ thể: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV..

Bộ Giáo dục làm bộ tiêu chí đánh giá đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - 2

Các thí sinh tham dự cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Đây là dịp các nhà trường, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội giao lưu, trao đổi trên cơ sở đó các HSSV có cơ hội hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp và mô hình kinh doanh, nhận đánh giá từ các chuyên gia.

Các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư có thể tìm kiếm các sản phẩm là dự án, ý tưởng của HSSV có tính sáng tạo cao để đầu tư, tăng tốc và hoàn thiện thành các sản phẩm thương mại có giá trị cao cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Ngày hội đã trở thành một hoạt động thường niên, thu hút hơn 20.000 người tham dự, tổ chức được 40 hội thảo, diễn đàn truyền cảm hứng, hơn 200 đơn vị, trường học tham gia và 50 doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư đồng hành.

Song song với ngày hội khởi nghiệp, cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của đông đảo người học.

Trải qua 5 năm tổ chức, từ hàng nghìn dự án của các HSSV đến từ các địa phương, trường đại học, cao đẳng, ban tổ chức cuộc thi cấp Trung ương đã nhận được tổng số 1.670 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và 900 dự án đến từ các trường THPT, THCS trong toàn quốc.

70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Tỷ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm được duy trì ở mức cao trên 7% năm.

Trong quá trình khởi nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên có cơ hội triển khai, tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp thực tập thực tế.

Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, kết nối tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp quốc gia.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng các giải pháp để triển khai có hiệu quả Đề án 1665, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ngay từ các bậc học phổ thông; nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hợp tác với doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế; nghiên cứu xây dựng và hình thành các quỹ cộng đồng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng chuẩn hóa các tài liệu đào tạo dành cho đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV theo hướng hội nhập quốc tế; xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích sinh viên, giảng viên tham gia khởi nghiệp; tăng cường truyền thông giúp học sinh phổ thông hiểu và nâng cao tinh thần khởi nghiệp; tăng cường môi trường, cơ sở vật chất hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm