Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
Giúp sinh viên đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của các trường đại học
(Dân trí) - Dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, kết nối nguồn lực, đổi mới sáng tạo giúp HS,SV khởi nghiệp là trách nhiệm rất lớn của các trường Đại học.
Sáng ngày 22/12, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh sinh viên năm 2020 được tổ chức tại ĐH Thủy Lợi Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng về những kết quả trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ. Hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã có những bước tiến dài. Cả nước đã có trên 64 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó ở các trường đại học có hơn 70 không gian làm việc chung cho khởi nghiệp sáng tạo. Qua đó, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.
"Trong kết quả đó, có sự quan tâm đầu tư của các trường đại học trong việc hình thành các không gian làm việc chung về khởi nghiệp, các quỹ đầu tư khởi nghiệp" - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, trong hơn 25 năm qua, chúng ta duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao trung bình thứ 2 trên thế giới (trong số khoảng 200 nền kinh tế) và có thể xem đây là một cuộc chạy việt dã có 200 bạn chạy, "chúng ta chạy nhanh thứ 2".
Song dù phát triển nhanh nhưng vì xuất phát chậm mà trình độ phát triển chung, trình độ phát triển kinh tế nói riêng của Việt Nam vẫn còn "thua chị kém em" rất nhiều. Một chỉ số quan trọng là thu nhập theo đầu người, chúng ta ở vào khoảng thứ 130 của thế giới.
"Có nhất thiết phải giàu, hay cứ nghèo nhưng bình yên cũng được không? Đó là điều mà chắc chắn nhân dân Việt Nam cũng không chấp nhận. Không, chúng ta không bao giờ chấp nhận Việt Nam tiếp tục nghèo, luôn phải đi xin tiền. Nhưng nhân dân Việt Nam cũng không chấp nhận thu nhập rất cao, rất giàu, nhưng cũng không yên bình, không có tình yêu thương, không an toàn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến khát vọng tiếp tục vươn cao, vươn xa của toàn dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, yêu cầu mới đòi hỏi đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay, có rất nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường mới, và nếu thành công thì sẽ có sức phát triển mạnh mẽ. Những cộng đồng nào khơi dậy được sự sáng tạo, dũng cảm, tìm tòi, xông pha của người dân, đặc biệt là giới trẻ thì sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn.
Các chính sách của Đảng, Nhà nước ta với khởi nghiệp sáng tạo là nhằm khơi dậy khát vọng đó, để chúng ta cùng phát triển, tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, nếu thành công thì có sức bật lớn hơn rất nhiều, nhờ đó mà bứt lên đi nhanh hơn được.
"Đương nhiên, điều này là cực kỳ khó khăn. Bởi nếu dễ, thì thế giới người ta làm hết rồi. Tất cả doanh nghiệp thành công, ngoài dấn thân, còn nếm trải rất nhiều gian khổ, nhiều thất bại", Phó Thủ tướng nói.
Theo ông, để đạt mục tiêu này, ngoài việc tập trung đầu tư cải thiện môi trường kinh doanh thì phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác giáo dục và đào tạo. Tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp phải được đưa vào giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức nền tảng về khởi nghiệp; khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên một cách mạnh mẽ.
Khẳng định tầm quan trọng của tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ tới học sinh, sinh viên: "Không nên quá chú trọng vào việc học thuộc để lấy điểm cao, quan trọng hơn hãy cố gắng tham gia các hoạt động xã hội, giao tiếp, các phong trào startup để có hiểu biết và sự sẵn sàng nhất định trước một thế giới đầy biến động"
Tại ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là yêu cầu đặt ra cho tất cả các quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và công nghệ số. Nếu không tích cực đổi mới sáng tạo thì lực lượng lao động sẽ gặp nhiều khó khăn và rất dễ bị đào thải trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các công ty, các đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội nhằm tăng tính thực hành và trải nghiệm thực tiễn cho học sinh, sinh viên, kết nối nguồn lực, đổi mới sáng tạo giúp học sinh, sinh viên khởi nghiệp là trách nhiệm rất lớn của các trường Đại học.
Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với một số đơn vị tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020.
Đây là lần thứ ba sự kiện này được tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao của học sinh, sinh viên, đồng thời tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn.
Theo trưởng Ngô Thị Minh cho hay, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn về cơ chế tài chính để triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", trong đó có nội dung hỗ trợ nguồn vốn cho học sinh, sinh viên khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp. Để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Bộ đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nền tảng căn bản cho các em về tư duy, phương pháp một cách toàn diện.
Thứ trưởng khẳng định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là kết quả của một tiến trình đổi mới giáo dục đào tạo từ phổ thông đến cao đẳng đại học chứ không đơn thuần là tên gọi của một đề án hay một phong trào. Có thể như thế hoạt động này mới giữ được nguyên vẹn ý nghĩa của nó.
"Cuộc thi "Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - Sinh viên - Startup" được tổ chức thường niên chính là sân chơi, là cơ hội để các em thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội, là môi trường quan trọng để kết nối 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp" - Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 do Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Trường đại học Thủy Lợi và công ty công nghệ giáo dục Nova tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.
Ngoài ra, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực đối với học sinh, sinh viên trong toàn quốc. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao. Đây cũng là dịp tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp với thực tiễn.
Điểm nhấn của ngày hội khởi nghiệp năm nay là vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020. Được phát động từ tháng 7-2020, cuộc thi đã nhận được gần 600 bài dự thi, nhiều hơn 200 bài dự thi so với năm 2019.
Trong khuôn khổ của ngày hội còn có hơn 80 gian trưng bày các ý tưởng khởi nghiệp; các hoạt động thiết thực đối với sinh viên, như diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp, hội thảo giải pháp phát triển các dự án khởi nghiệp của giảng viên trẻ và sinh viên, hội thảo phát triển CLB khởi nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông...