Bộ Giáo dục chỉ nguyên nhân “thí sinh đậu thành rớt đại học” vì điểm ưu tiên

(Dân trí) - Sự việc hơn 30 trường hợp thí sinh ở ĐH Huế đã trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng lại bị rớt do cộng sai điểm ưu tiên, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ nguyên nhân vì sao có sự nhầm lẫn này.

Như Dân trí đã đưa tin, trong ngày làm thủ tục nhập học vào ĐH Huế có tổng số 34 thí sinh không đủ điểm và đã cho về, dù trước đó trên giấy báo nhập học là thí sinh đã đủ điểm. Qua thống kê ở ĐH Y Dược có 18 em, ĐH Ngoại ngữ có 5 em, ĐH Nông lâm có 6 em, khoa Luật có 3 em, khoa Du lịch có 2 em. Nguyên nhân là do thí sinh đã nộp hồ sơ bị sai đối tượng ưu tiên hoặc sai khu vực (KV) ưu tiên.

Lãnh đạo ĐH Huế cho biết, có tổng cộng 20 trường hợp thí sinh khai sai đối tượng ưu tiên, điều này do lỗi thí sinh vì ở quy chế tuyển sinh, thí sinh phải tự chịu trách nhiệm về tính xác thực trong hồ sơ. Nếu lúc nhập học, ở hồ sơ gốc so với hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ dự thi không đủ các điều kiện trúng tuyển thì trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học.

Trong số 14 số thí sinh sai về khu vực ưu tiên, chủ yếu là KV1. Các em này đều có hộ khẩu thường trú ở KV1 nhưng học THPT tại huyện, thị xã khác nên không được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú mà hưởng ưu tiên khu vực theo trường phổ thông.

 


Thí sinh hụt hẫng vì đang đậu thành rớt đại học

Thí sinh hụt hẫng vì đang đậu thành rớt đại học

Nhiều nguyên nhân dẫn tới sai sót

Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, trước đây, những việc sai sót này được giải quyết trong phạm vi của từng trường. Kỳ thi năm nay sử dụng cơ sở dữ liệu chung nên có thông tin chung từ các trường và sự thống nhất chỉ đạo xử lý trong cả nước. Hiện Bộ, đang yêu cầu Đại học Huế báo cáo và cho kiểm tra đối với từng trường hợp cụ thể.

Chỉ ra nguyên nhân vì sao có sự nhầm lẫn, sai sót này, bà Phụng cho rằng, nhiều thí sinh chưa nghiên cứu kỹ quy chế và các quy định liên quan để đăng ký dự thi. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh được quy định khá chi tiết và công bố rộng rãi trước khi tuyển sinh nhằm tạo sự công bằng. Nhiều thí sinh thấy quy định phức tạp đã tìm đến các kênh trợ giúp từ trường THPT, trường CĐ, ĐH, các phương tiện truyền thông hoặc các đường dây nóng, email trợ giúp của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, một số em đã không tận dụng cơ hội này để nhầm lẫn đáng tiếc. Ngoài ra, khi tập trung tại các cụm thi và đăng ký xét tuyển tại các trường, thí sinh đều được hướng dẫn kiểm tra thông tin, đề nghị chỉnh lý sai sót, nếu có.

Bên cạnh đó, một vài trường ở địa phương chưa hướng dẫn chi tiết để các em hiểu chính xác về trường hợp của mình hoặc nếu cần thiết thì liên hệ với ai, ở đâu để được giải đáp… Cá biệt cũng có những cán bộ của trường ĐH,CĐ chưa đánh giá đúng hồ sơ thực của thí sinh khi kiểm tra hồ sơ nhập học… “Như vậy, đối với Đại học Huế, sai sót chắc không nằm ngoài các nguyên nhân trên” – bà Phụng cho hay.

Bộ sẽ xem xét để đưa ra cơ chế giải quyết phù hợp

Có ý kiến cho rằng, sự nhầm lẫn này là do phần mềm tuyển sinh của Bộ? Bà Phụng khẳng định: “Không có nguyên nhân sai sót từ phần mềm quản lý tuyển sinh. Phần mềm tuyển sinh chung do Bộ quản lý tiếp nhận cơ sở dữ liệu từ các địa phương. Dữ liệu này được các trường THPT nhập từ phiếu đăng ký dự thi của thí sinh. Sau khi nhập liệu, trường đã in thông tin để các em ký xác nhận chính xác rồi mới chuyển lên Sở, Bộ để dùng chung. Khi thấy có hiện tượng sai sót nói trên, bộ phận kỹ thuật đã kiểm tra lại phần mềm và thấy rằng vẫn đảm bảo chính xác theo quy chế.

Tuy nhiên, thông tin trong phiếu đăng ký dự thi không chính xác hoặc nhập liệu không chính xác (so với hồ sơ thực) mà không được chỉnh sửa ở các quy trình sau (như đã nói trên) thì số điểm ưu tiên được phần mềm cộng cũng sẽ không phù hợp với hồ sơ thực của thí sinh và phải được chế độ “hậu kiểm” xác định lại.

Bên cạnh đó, có thể số liệu cộng ưu tiên của phần mềm chính xác nhưng đánh giá hồ sơ thực tại một số trường ĐH, CĐ không chính xác nên cho rằng điểm được cộng không chính xác…

Về việc đảm bảo quyền lợi cho học sinh, bà Phụng cho rằng, nếu địa phương hướng dẫn sai, dẫn đến thông tin đăng ký dự thi của thí sinh sai, Bộ sẽ xem xét để đưa ra cơ chế giải quyết phù hợp; nếu trường CĐ, ĐH hiểu sai Quy chế, Bộ sẽ chỉ đạo trường thực hiện theo đúng quy chế… Nếu nhầm lẫn do thí sinh thì các em vẫn phải tự chịu trách nhiệm. Thực tế là các em đã có ít nhất 3 lần để rà soát điều chỉnh thông tin, nếu chưa hiểu rõ thì có các kênh tư vấn, trợ giúp… được cấp tài khoản để kiểm tra trên hệ thống bất cứ lúc nào…

Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến khích các trường nếu tính lại điểm thực của thí sinh vẫn đủ điều kiện trúng tuyển một ngành nào đó của trường và các em cũng có nguyện vọng thì trường quyết định cho theo học.

Cũng tại ĐH Huế, lại xảy ra trường hợp nhiều thí sinh đậu thành rớt với nguyên nhân do hạnh kiểm không đúng với yêu cầu thông báo của nhà trường. (Theo ý kiến của nhà trường, thí sinh phải có hạnh kiểm của 3 năm học lớp 10, 11 và 12 đạt từ loại khá trở lên mới đủ điều kiện dự tuyển vào trường).

Bộ GD&ĐT cũng đang yêu cầu ĐH Huế báo cáo sự việc để Bộ đưa ra hướng giải quyết.



Hồng Hạnh