Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ xem xét giữ nguyên học phí năm học 2021- 2022
(Dân trí) - Để chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình người học, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022.
Theo Bộ GD&ĐT, để chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình người học trong thời điểm còn ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị này đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022 ổn định như năm học 2020-2021.
Từ năm học 2022-2023, mức học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.
Được biết, đề án tuyển sinh đại học năm 2021, nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí ở mức cao.
Theo đại diện các trường, việc tăng học phí là theo xu hướng tự chủ, khi trường không còn nhận ngân sách nhà nước.
Trong đó một số trường như: Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch…, dự kiến tăng gấp đôi học phí so với năm học trước.
Tại các trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Đại học Sài Gòn, mức học phí cũng nhích lên 2-5 triệu mỗi năm áp dụng với tất cả ngành hoặc một số ngành.
Tại văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, trong bối cảnh còn ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống và kinh tế của người dân đang còn gặp nhiều khó khăn, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương xử lý nghiêm các sai phạm tài chính, hỗ trợ sách giáo khoa học sinh, sinh viên, có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, bảo đảm tất cả học sinh có đủ sách giáo khoa đến trường.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện nay đơn vị này đã phối hợp các bộ ngành, lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở GD&ĐT trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 (sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc).
Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định, đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định.
Các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế, được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Chỉ những trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đạt kiểm định chất lượng thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.
Đồng thời, cơ sở này phải thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Dự thảo nghị định lần này, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn, còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các cơ sở giáo dục công lập, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng.