Bộ GD-ĐT “vi hành” xem giáo viên đánh giá học sinh tiểu học

(Dân trí) - Ngày 8/1, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định cùng một số chuyên viên phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội đã đích thân đến một số trường tiểu học thuộc địa bàn Hà Nội để xem giáo viên đánh giá học sinh. Chuyến đi với thông điệp: “Ngồi phòng lạnh không bằng thực tiễn”.

Trao đổi với Dân trí trước cuộc “hành trình” này, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định tâm sự: “Thông tư 30 ra đời với một mục tiêu hết sức rõ ràng đó là giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học mà thay vào đó đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh (HS), coi trọng việcđộng viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan. Đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, thời gian gần đầy đã có một số ý kiến cho rằng sự ra đời của Thông tư 30 “thả lỏng” bậc tiểu học khiến chúng tôi rất băn khoăn. Thực tế thì giáo viên (GV) sẽ phải quan tâm đến HS, gia đình cũng phải con tâm đến con cái hơn… thì lý do gì chất lượng lại không tốt? Đây là vấn đề chúng tôi muốn tìm hiểu thực tế”.

“Đã dần quen với đánh giá bằng nhận xét”

Đó là khẳng định của cả 3 trường tiểu học ở Hà Nội mà Vụ trưởng Phạm Ngọc Định “vi hành” đến. Trao đổi với tập thể GV Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội”, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định chia sẻ: Thông tư 30 đã nêu rất rõ mục đích của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Ngoài hướng dẫn kiến thức thì GV cần phải quan tâm đến HS. Chính điều này làm giảm áp lực cho HS. Trong quá trình thực hiện thì vẫn còn có những ý kiến băn khoăn và đã được Bộ GD-ĐT giải quyết qua các công văn hướng dẫn cụ thể. Việc nghe trường báo cáo thực hiện Thông tư 30 là một kênh để đánh giá thực tiễn tránh tình trạng “ngồi phòng lạnh ban hành văn bản. Chính vì thế rất mong nhận được những chia sẻ thật, nếu còn khó khăn gì thì Bộ cũng muốn lắng nghe, thậm chí là học hỏi những giải pháp hay của các trường để định hướng chung cho toàn quốc.

Vụ trưởng Phạm Ngọc Định lắng nghe ý kiến của giáo viên Trường
Vụ trưởng Phạm Ngọc Định lắng nghe ý kiến của giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản về việc thực hiện Thông tư 30.

Mạnh dạn trao đổi với đoàn công tác, cô Nguyễn Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản thẳng thắn cho biết: "Đối với nhà trường thì trong quá trình thực hiện thì không có nhiều ý kiến trái chiều. Thông tư 30 có tính nhân văn rất lớn nên quan điểm của nhà trường là dù GV có vất vả một chút những phải nỗ lực làm. Quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn liên quan đến vấn đề sổ sách. Tuy nhiên sự khó khăn này chỉ là lúc đầu, hiện tại nhà trường đã có những ý tưởng để chủ động thực hiện việc giảm sổ sách cho GV, đặc biệt là GV bộ môn".

Chia sẻ thêm, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhà trường khẳng định: Do được tập huấn tương đối kỹ nên thầy, cô thấm đã thấm nhuần nên khi triển khai thì tương đối chuẩn và sát với hướng dẫn của thông tư. Thực tế triển khai thì GV chủ nhiệm không khó khăn nhiều. Lúc đầu chỉ hơi khó khăn một chút về việc dùng lời nhận xét, viết nhận xét. Qua trao đổi về chuyên môn giữa các tổ và GV thì khó khăn này đã được giải quyết và hiện tại GV đã quen.

Đối với GV bộ môn thì gặp khó khăn do số lượng HS quá nhiều nên GV không thể nhớ hết được HS. Bên cạnh đó, việc ghi sổ sách tổng hợp cuối học kì, GV bộ môn cũng gặp khó khăn vì lâu nay chưa được tiếp cận.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Ngạc B bày tỏ những băn
Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Ngạc B bày tỏ những băn khoăn khi thực hiện Thông tư 30.

Chung phần lớn quan điểm trên, tập thể cán bộ GV Trường tiểu học Đông Ngạc B (huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ thêm một số băn khoăn: Thực tiễn đã cho thấy, thông tư 30 không gây áp lực học hành cho HS. Tuy nhiên, do chưa quen nên GV cũng gặp khó khăn nhất là việc phải ghi chép quá nhiều. Ngay cả việc tổ chức khen thưởng học kì 1 cho HS, sắp tới nhà trường cũng đang phải bàn bạc tìm phương hướng bởi với hướng dẫn mới của Bộ thì cả lớp sẽ được khen, nếu làm đúng đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian.

Trước trăn trở của Vụ trưởng Phạm Ngọc Định là với Thông tư 30 thì chất lượng giáo dục tiểu học như thế nào?

Giải đáp câu hỏi này cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: Bước đầu cho thấy, kết quả điểm thi cuối kì không có sự biến động so với các năm trước điều này có thể khẳng định chất lượng không giảm sút, vẫn đảm bảo như mọi năm. Điều nhận thấy rõ nét nhất ở Trường tiểu học Gia Thụy khi thực hiện Thông tư 30 là giảm áp lực cho các em, HS đi học về vui vẻ hơn…

Xóa bỏ một loạt băn khoăn không đáng có

Qua kiểm tra thực tế vở HS, số sách, GV của cả 3 trường tiểu học, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nhận xét: Bước đầu triển khai các thầy cô đã nhận xét ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn mang tính chất động viên, khuyến khích đây là điều rất đáng mừng. Thời gian tới, khi thầy cô đã quen với công việc thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.

“Thầy cô đều thừa nhận là HS mình tích cực hơn, hứng thú hơn và không bị áp lực trong học tập. Kết quả này không phải tự nhiên mà có được nên thầy cô vất vả hơn là điều dễ hiểu. Vì sự tiến bộ của HS thì chúng ta cũng cần cố gắng để thực hiện cho tốt” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học chia sẻ.

Những lời nhận xét ngắn gọn, súc tích những vẫn động viên, khuyến khích
Những lời nhận xét ngắn gọn, súc tích những vẫn động viên, khuyến khích được học sinh của giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản.

Liên quan đến vấn đề sổ sách, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định phân tích: Mặc dù đã có hướng dẫn khá chi tiết nhưng thầy cô vẫn chưa nắm vững hết tinh thần. Thầy cô cố gắng ghi nhận xét chi tiết vào vở HS để bản thân các em cũng như phụ huynh có thể biết được việc học hành ở lớp. Đối với sổ theo dõi chất lượng thì chỉ dành cho cô giáo thôi nên có thể linh động ghi theo cách để bản thân mình hiểu. Chỉ những em nào chưa hoàn thành hoặc có những nét nỗi trội thì mình ghi để năm bắt tình hình sau đó có phương hướng giúp đỡ hoặc bồi dưỡng các em.

“Tôi hi vọng các phòng giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường cũng phải thay đổi cách quản lý một cách linh động và tạo điều kiện cho GV. Tăng cường trao đổi sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường để giúp đỡ lẫn nhau. Nếu gặp khó khăn thì bản thân trong nhà trường cũng cần ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ chứ không phải cứ kêu khó thì lại chờ đợi Bộ hướng dẫn” - Vụ trưởng Phạm Ngọc Định bộc bạch.

Liên quan đến GV bộ môn “than thở” việc số sách quá nhiều, có quá nhiều HS không thể nhớ hết…, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định thẳng thắn nói: Trước đây chúng ta có quan điểm 1 lớp có 60 HS, nghĩa là cô vào lớp chỉ biết dạy xong là thôi. Hiện tại chúng ta thay đổi thành 60 HS trên 1 lớp, nghĩa là cô phải quan tâm đến từng HS một. Đúng là chúng ta không thể nhớ hết tên các em được bởi có GV bộ môn dạy cả trăm, thậm chí đến hơn 1.000 HS nhưng chí ít cô phải biết trong lớp đó em nào nỗi trội, em nào yếu ở điểm nào…

“Trước đây GV bộ môn và GV chủ nhiệm tách rời nhau. Nhưng ở Thông tư 30 thì GV chủ nhiệm và bộ môn phải kết nối với nhau để đánh giá các em sát thực hơn. Việc ghi vào học bạ cũng phải linh hoạt hơn, về nguyên tắc thì GV chủ nhiệm có trách nhiệm ghi nhưng nếu GV bộ môn viết chữ đẹp và có điều kiện thì cùng tham gia giúp đỡ lần nhau” - Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nói.

Vụ trưởng Phạm Ngọc Định xem nhận xét của giáo viên trong vở học 
Vụ trưởng Phạm Ngọc Định xem nhận xét của giáo viên trong vở học sinh Trường tiểu học Gia Thụy.

Về công tác khen thưởng HS, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học bày tỏ quan điểm: Nếu trước đây chúng ta đánh giá HS giỏi toàn diện chỉ thể hiện qua môn Toán và Tiếng Việt, điều này chắc hẳn dư luận khó chấp nhận được. Ở Thông tư 30, chúng ta khen thưởng từng mặt của HS thì xã hội sẽ dễ chấp nhận hơn. Việc tổ chức mở rộng khen thưởng cho thấy quan điểm giáo dục toàn diên hơn, không còn có khái niệm môn chính, môn phụ.

Bộ đã có công văn hướng dẫn đánh giá định kỳ và khen thưởng. Việc thực hiện khen thưởng HS ra sao hoàn toàn do các trường chủ động miễn là làm sao tạo động lực, khuyến khích được HS.

Với những giải thích khá chi tiết của đoàn công tác, các GV ở 3 trường tiểu mà Vụ trưởng Phạm Ngọc Định “vi hành” đều thở phào nhẹ nhõm. Những định hướng chi tiết khiến cho nhà trường yên tâm hơn trong việc thực hiện Thông tư 30.

Tâm sự với Dân trí sau chuyến “vi hành”, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nhấn mạnh: “Khi thực hiện quy định mới thì chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Bộ luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý từ phía cơ sở và mong muốn các cơ sở chủ động sáng tạo giải quyết các vấn đề từ thực tiễn. Qua chuyến đi này cá nhân tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ các thầy cô. Qua đây tôi cũng mong muốn, nếu có ý tưởng hay trong việc thực hiện Thông tư 30, thầy cô hãy mạnh dạn chia sẻ với Bộ GD-ĐT”.

Nguyễn Hùng 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!