Bộ GD-ĐT nhanh chóng "nới lỏng" học sinh lớp 1,2 đến trường kiểm tra học kỳ
(Dân trí) - "Nếu vì điều kiện chưa thể đến trường học trực tiếp, như thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua, học sinh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến".
Trên đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ, khi nói rõ thêm về nội dung của văn bản số 5766/BGDĐT-GDTT ban hành ngày 13/12/2021, nhằm hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với diễn tiến dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Độ, ở những địa phương học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cho học sinh theo hình thức trực tuyến.
Đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, học sinh có thể đến trường học tập, thì các trường khẩn trương ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trực tiếp.
Đối với các em học sinh lớp 1, lớp 2 đang học qua truyền hình, quá trình học tập của các em thiếu sự tương tác, và nhà trường cùng các thầy/cô chưa có đánh giá chính xác việc các em thu nhận được kiến thức tới đâu.
Vì vậy, trong điều kiện cho phép, cần tạo điều kiện tối đa để học sinh được tới trường củng cố kiến thức và được hướng dẫn thực hiện bài kiểm tra định kỳ trực tiếp.
Với lớp 3, 4, 5, học sinh cơ bản đã có ý thức và kỹ năng học tập, kỹ năng làm bài định kỳ theo đặc trưng của từng môn học trong quá trình học từ các năm trước.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các sở, phòng giáo dục chỉ đạo các trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến.
Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện kiểm tra phù hợp với kế hoạch triển khai năm học này, kế hoạch năm học mới và tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
Trước đó, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn về việc học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ trực tiếp- trừ trường hợp bất khả kháng.
Cụ thể, văn bản hướng dẫn mới nhất ngày 13/12 của Bộ GD-ĐT yêu cầu, đối với lớp 1, lớp 2, bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Các nhà trường lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện.
Đồng thời, nhà trường chia nhỏ số học sinh của lớp, đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung "cốt lõi" cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn toán, môn tiếng Việt.
Bên cạnh đó, linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.
Cũng theo văn bản này: "Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
Khi thông tin trên được đưa ra, một số phụ huynh cho rằng, học sinh lớp 1 không cần quá khắt khe với điểm số. Nên chăng, việc kiểm tra cũng nên linh hoạt hơn- nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ở một số thành phố đang căng thẳng hiện nay.
Trả lời báo chí thời điểm đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, với những nhà trường, địa phương đang dạy học trực tuyến từ đầu năm học đến thời điểm kiểm tra không được coi là trường hợp bất khả kháng. Do đó, học sinh vẫn có thể đến trường, chia ca, đảm bảo giãn cách để kiểm tra trực tiếp.
"Bất khả kháng" là những trường hợp đến ngày kiểm tra trực tiếp theo kế hoạch của trường nhưng học sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, trước quyết định kiểm tra định kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, 2 mà Bộ GD-ĐT đưa ra, ông chưa thực sự đồng tình.
Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, những vùng xanh, vùng đảm bảo yêu cầu vẫn đang học bình thường, thì việc đánh giá diễn ra theo hình thức trực tiếp là điều đương nhiên. Nhưng với những vùng đang trong cấp độ dịch, trẻ vẫn phải học online, thì cần đánh giá theo hình thức trực tuyến.
"Đặc biệt, không nên đặt nặng về điểm số. Lớp 1, 2, trẻ "đọc thông, viết thạo" đã là xuất sắc rồi. Đánh giá là để khích lệ, giúp trẻ tiến bộ, chứ không phải vùi dập học sinh" - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Còn theo PGS. TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục- Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), ở độ tuổi lớp 1, 2, việc đánh giá của các con cũng hầu hết liên quan đến "đọc thông, viết thạo".
Do đó, thay vì yêu cầu trẻ tới trường làm bài kiểm tra trực tiếp, nhà trường có thể tổ chức kiểm tra theo hình thức online. Nếu chúng ta đưa trẻ đến trường kiểm tra chỉ vì số liệu báo cáo, rằng có bao nhiêu trẻ đọc thông, viết thạo, thì đánh giá này không có sự tập trung vào người học, không vì sự phát triển của trẻ con.