Bộ GD-ĐT giữ nguyên quan điểm xử lý văn bằng thạc sỹ ĐH Quốc gia Hà Nội
(Dân trí)-Trao đổi với <i>Dân trí</i>, ông Bùi Anh Tuấn -Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cho biết: “Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra hướng việc xử lý văn bằng sau thanh tra, ĐHQGHN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện. Như vậy họ đồng tình với cách xử lý của Bộ GD-ĐT”.
Trước đó vào ngày 13/6/2013, Bộ GD-ĐT đã đưa ra hướng xử lý đối với số văn bằng cử nhân và bằng thạc sỹ do đối tác nước ngoài cấp cho học viên Việt Nam theo học các chương trình liên kết đào tạo với Trung tâm Công nghệ Đào tạo và Hệ thống Việc làm (ETC) - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Cụ thể, để được công nhận và có giá trị sử dụng ở Việt Nam thì các học viên phải bổ sung thêm minh chứng đáp ứng yêu cầu đầu vào về chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Tổ chức kiểm định giáo dục và đào tạo từ xa Hoa Kỳ - DETC đối với chương trình liên kết với Trường ĐH Griggs và của Trường ĐH Delaware. Cụ thể: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt điểm tối thiểu TOEFL 500 (thi trên giấy), hoặc TOEFL iBT 61 (thi trên mạng Internet) hoặc IELTS 6.0 đối với người có bằng tốt nghiệp ĐH do trường ĐH Griggs cấp.
Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt điểm tối thiểu TOEFL 530 (thi trên giấy), hoặc TOEFL iBT 71 (thi trên mạng Internet) hoặc IELTS 6.5 đối với người có bằng thạc sỹ do Trường ĐH Griggs hoặc Trường ĐH Delaware cấp. Trường hợp người đã cấp bằng không cung cấp được chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu nêu trên tại thời điểm tuyển sinh, các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2014 có thể được chấp nhận.
Ngay sau biết hướng xử lý của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Chủ tịch Hội Cựu học viên MBA ĐH Griggs tại Việt Nam đã có đơn kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ GD-ĐT và ĐHQGHN.
Trong đơn kiến nghị lên Thủ tướng, ông Thịnh cho hay: “Các học viên MBA đã tham gia kì thi tuyển đầu vào căn cứ theo yêu cầu, thông báo tuyển sinh của đơn vị tổ chức chương trình tại Việt Nam (ĐHQGHN). Trong thời gian học tập, các học viên đã chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của chương trình đào tạo cũng như các quy định của ĐHQGHN và ĐH Griggs (Hoa Kỳ); tham gia đầy đủ các kỳ kiểm tra, thi, kiểm định chất lượng do cơ sở giáo dục và đơn vị liên kết quy định”.
Đơn kiến nghị lên Thủ tướng của Hội cựu học viên MBA do ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Chủ tịch Hội đứng đơn.
Cũng theo ông Thịnh, học viên theo học chương trình này là các cán bộ quản lý của các bộ, ban ngành ở Trung ương; cán bộ lãnh đạo Đảng, Sở, ban ngành các tỉnh, thành phố, quận huyện trong cả nước; cán bộ quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng quốc doanh, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước”. Những học viên này chọn lựa chương trình vì tin tưởng uy tín của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Griggs.
Do đó, “việc yêu cầu bổ sung điều kiện tiếng Anh đầu vào để văn bằng MBA được công nhận và có giá trị sử dụng tại Việt Nam là không xác đáng và ảnh hưởng đến các cựu học viên MBA đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo trong nước, ảnh hưởng rất lớn đến công việc nơi chúng tôi công tác, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tài chính và kế hoạch phát triển lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức đã cử cán bộ tham gia khóa tạo này”.
Chính vì thế, Hội cựu học viên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận số văn bằng thạc sĩ do trường ĐH Griggs cấp để “bảo vệ quyền lợi, uy tín, kinh tế của hàng ngàn học viên MBA và các cơ quan tổ chức có liên quan”.
Để làm rõ thêm những điểm này, PV Dân trí đã trao đổi thêm với ông Phạm Khắc Diễn - Hàm vụ trưởng Vụ III (Thanh tra Chính phủ), nguyên trưởng đoàn thanh tra ở ĐHQGHN. Ông Diễn nhấn mạnh: “Chương trình liên kết đào tạo thạc sỹ của ETC với ĐH Griggs đào tạo tại Việt Nam là chương trình đào tạo từ xa của ĐH Griggs. Chưa được Bộ GD-ĐT Việt Nam cấp phép liên kết đào tạo. Bên cạnh đó theo quy định của ĐH Griggs, chương trình đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài thì học viên phải có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh hoặc có trình độ TOEFL 530 (thi trên giấy) (hoặc IELTS 6.5) nhưng khi đoàn thành tra yêu cầu và hồ sơ thu được của đoàn thành tra ở ETC thì không chứng minh được việc này”.
Bộ GD-ĐT giữ nguyên quan điểm trong hướng xử lý văn bằng thạc sỹ ở ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Thanh tra viên chính - TTCP - nguyên phó trưởng đoàn thanh tra tại ĐHQGHN cho biết thêm: “Trong quá trình thanh tra tại ETC thì khẳng định học viên không thực hiện đúng quy định của ĐH Griggs. Chính vì thế, việc Bộ GD-ĐT cho phép học viên kiểm tra và đạt được trình độ Tiếng Anh như các quy định mà ĐH Griggs và DETC đã nêu ra là đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người học. Về nguyên tắc, những học viên này phải đạt trình độ tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT đưa ra ngay từ khâu thi dự tuyển đầu vào”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi nhận được thư kiến nghị của Hội cựu học viên MBA ĐH Griggs tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã tiến hành họp bàn và giữ nguyên quan điểm trước đó. Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH giải thích: “Bộ GD-ĐT giải quyết những vấn đề sau thanh tra đối với các chương trình liên kết của ĐHQGHN trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và cố gắng đảm bảo quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của người học. Việc công nhận văn bằng phải dựa trên các quy định pháp luật. Bộ GD-ĐT đã dựa trên cơ sở các quy định của trường đối tác, các quy định hiện hành. Hướng xử lý mà Bộ GD-ĐT đưa ra là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và đảm bảo quyền lợi cho học viên”.
Công văn ĐH Quốc gia Hà Nội báo cáo triển khai thực hiện nội dung của Bộ GD-ĐT yêu cầu.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, sau khi nhận được công văn của Bộ GD-ĐT về hướng xử lý văn bằng thạc sỹ, ĐHQGHN đã có công văn phản hồi khâu triển khai thực hiện nội dung Bộ GD-ĐT yêu cầu. Công văn của ĐHQGHN đã yêu cầu ETC tổng hợp danh sách học viên đã được cấp bằng cử nhân và thạc sỹ chưa có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trong đó thể hiện rõ phương án bố trí nhân lực, kinh phí, phương thức tổ chức, lộ trình thực hiện…
Như vậy, với quan điểm xử lý của Bộ GD-ĐT, khoảng 3.000 học viên tham gia học và được nhận bằng MBA của ĐH Griggs tổ chức tại ETC bắt buộc phải đạt được trình độ Ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì mới được công nhận văn bằng.