Bộ Công An, Bộ KH&CN: Xem xét lại việc quy định điểm bài báo khoa học của GS,PGS
(Dân trí) - Ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS,PGS, Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Công An đều cho rằng, dự thảo cần xem lại việc quy đổi và cho điểm các bài báo khoa học để xét GS,PGS.
Bộ Khoa học và Công nghệ: Không nên quy định cứng việc bắt buộc GS,PGS là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học
Bộ Khoa học và Công nghệ nhất trí về cơ bản với các nội dung được nêu trong dự thảo Quyết định. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu rõ quan điểm đối với dự thảo là: Việc xác định tiêu chí để xét bổ nhiệm chức danh GS,PGS không nên quy định cứng việc bắt buộc là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hay cấp quốc gia.
Quy định như Dự thảo trong thời gian qua đã cho thấy các nhà khoa học đăng ký thực hiện đề tài chưa thực sự vì mục tiêu tập hợp lực lượng để cùng nghiên cứu khoa học.
Về tiêu chuẩn chức danh GS,PGS, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, không nên quy định "Có ít nhất 5 điểm được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ".
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nên cân nhắc số điểm là 5 điểm có quá nhiều vì hoạt động của giáo sư được tích lũy trong nhiều năm chứ không chỉ tập trung trong ba năm cuối.
Về quy định công trình khoa học quy đổi với bài báo khoa học, theo Bộ Khoa học và Công nghệ là không nên quy định báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc gia là bài báo khoa học (vì các bài báo khoa học cần được công bố tại những tạp chí khoa học uy tín, có biên tập, thẩm định và phản biện chuyên sâu).
Trong trường hợp có tính đặc thù đối với một số nhóm ngành thì nên quy định theo hướng giao cho Hội đồng chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định bài báo cáo tại hội thảo quốc gia, có đáp ứng tiêu chí là bài báo khoa học không.
Bộ Công An: Khoa học Quân sự và Khoa học An ninh phải có ít nhất 02 bài báo khoa học bằng tiếng Anh
Bộ Công An cũng đồng ý với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, đối với vấn đề ngoại ngữ của giáo sư, phó giáo sư, Bộ Công an cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phải ghi rõ là sử dụng thành thạo ngoại ngữ, trong đó yêu cầu đọc, hiểu được các tài liệu chuyên môn viết bằng ngoại ngữ; viết được các bài báo chuyên môn bằng ngoại ngữ; trao đổi (nghe, nói) về chuyên môn bằng ngoại ngữ.
Những trường hợp được công nhận sử dụng thành thạo ngoại ngữ là đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ và được cấp bằng cử nhân ngoại ngữ, thường xuyên sử dụng ngoại ngữ đó trong chuyên môn đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Đối với ứng viên giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ, Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở và Hội đồng chức danh giáo sư ngành tổ chức đánh giá trình độ ngoại ngữ của các ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư không thuộc các trường hợp được công nhận là sử dụng thành thạo ngoại ngữ và trong trường hợp cần thiết đánh giá lại trình độ ngoại ngữ của các ứng viên thuộc các trường hợp được công nhận là sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
Bộ Công an cũng đề nghị đối với ngành Khoa học An ninh, Khoa học Quân sự, có thể thay thế bằng các sản phẩm khác như: Có ít nhất 2 bài báo khoa học bằng tiếng Anh hoặc 02 báo cáo khoa học tại hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức trong nước hoặc ở nước ngoài;
Các chuyên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc lĩnh vực Khoa học Quân sự và Khoa học An ninh phải có ít nhất 01 bài báo khoa học bằng tiếng Anh hoặc 01 báo cáo khoa học tại hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức trong nước hoặc ở nước ngoài. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 01 bài báo khoa học theo quy định.
Bộ Công an cho rằng, để đảm bảo tính công bằng đối với các ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ cần quy định là "tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 03 sách phục vụ đào tạo".
Bộ Công an cũng đề nghị tăng điểm các báo cáo khoa học tại hội nghị khoa học quốc gia từ 0,5 điểm lên 1,5 điểm; báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học quốc tế viết bằng tiếng Anh từ 1,0 lên 2,0 điểm. Vì điểm khoa học của những báo cáo này theo dự thảo thấp hơn so với bài báo khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành, trong khi những báo cáo này có hàm lượng chất xám cao hơn.
Ngoài ra, cần bổ sung điểm khoa học cho các báo cáo khoa học tại Hội thảo cấp Bộ, Ngành, tương đương với điểm khoa học các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành là 1,0 điểm.
Bộ Công an cũng đề nghị không quy định tất cả các sách phục vụ đào tạo được xuất bản từ năm 2017 trở đi phải có mã sản phẩm quốc tế ISBN.
Hồng Hạnh (ghi)