Bình Định: Lũ đi qua, học sinh không sách vở đến trường
(Dân trí) - Lũ đã rút, nhưng nhiều trường học tại Bình Định vẫn chưa tiếp tục công tác dạy học. Đặc biệt, sau lũ hàng ngàn học sinh tỉnh này đang thiếu sách, vở đến trường do lũ cuốn hoặc bị ướt hư hỏng.
Sách vở ướt, bàn ghế hư hỏng
Sáng 21/12, học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Thắng (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn chưa thể đến trường vì nước lũ vừa rút, bùn đất tràn vào trường, phòng học, bàn ghế hư hỏng nằm ngổn ngang. Hiện nhà trường đang huy động các thầy cô giáo cùng với sự giúp sức của bộ đội, đoàn thanh niên nỗ lực dọn bùn non sớm để học sinh trở lại trường.
Thầy Cáp Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Thắng (huyện Tuy Phước) cho biết, lũ lụt liên tục nên học sinh nhà trường phải nghỉ học mất 13 ngày. Sáng nay (21/12), nước lũ rút, thầy cô nhà trường cùng sự giúp đỡ của các chiến sĩ bộ đội tham gia dọn bùn non tràn vào trường.
“Đợt lũ này rất lớn, nước ngập sâu vào trường trên 1,5 mét làm hư hỏng nhiều đồ dùng học sinh, hơn 70 bộ bàn ghế bị hư hỏng, tường rào bị xô nghiêng. Sau lũ, nhiều học sinh của trường bị ướt sách vở, rất cần được hỗ trợ sách vở giúp các em yên tâm đến trường” - thầy Nhân cho hay.
Tại Trường Tiểu học số 2 Phước Lộc (phân hiệu Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc huyện Tuy Phước) sáng 20/12, hơn chục thầy cô giáo của trường vẫn cật lực dọn rửa phòng học, đẩy bùn non ra khỏi sân trường để kịp cho học sinh đến trường. Chân lấm tay bùn, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Lộc 2, kể: “Chưa bao giờ lũ lớn như năm nay, nước ngập sâu, bàn ghế gãy, tủ đồ dùng, trang thiết học sinh bị ướt hư hỏng. Sau lũ, hơn trăm học sinh ở vùng lũ của trường báo bị ướt hết sách vở, các em rất cần các cấp hỗ trợ sách vở đến trường”.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, sau 5 trận lũ liên tiếp đã khiến hơn 50.000 học sinh tại tỉnh này bị lũ cuốn trôi sách vở. Sau lũ, nhiều phụ huynh lục lọi trong đống đổ nát, nhặt phơi từng cuốn ướt mềm… để các em được tiếp tục đến trường. Bên căn nhà sập do lũ dữ, vợ chồng anh Phan Văn Long và chị Phạm Thị Lâm (42 tuổi, trú xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định) thờ thẫn bới tung từng viên gạch để nhặt sách vở cho 2 đứa con trong đống đổ nát.
“Nhà thì sập, hồ tôm cũng bị lũ cuốn sạch, xem như trắng tay. Sau lũ, đứa con trai đang học lớp 12 thấy nhà cửa sập, tài sản mất thương cha mẹ nên nó không chịu đi học. Vợ chồng động viên con tiếp tục đến trường nhưng nó không chịu, chỉ khi thầy cô giáo và các bạn học sinh về động viên nó mới chịu đi học lại” - chị Lâm nghẹn kể.
Học sinh khao khát trở lại trường
Theo đại diện phòng Giáo dục huyện Tuy Phước, đến ngày 21/12, hầu hết các trường ở 2 xã Phước Hòa và Phước Thắng (huyện Tuy Phước) học sinh vẫn chưa thể đến trường vì nước lũ vừa rút chưa kịp dọn dẹp bùn, rửa bàn ghế. Thầy cô giáo cũng như các học sinh đang khao khát trở lại trường dạy và học.
Trong khi đó, ở các huyện trung du, miền núi, tình trạng sạt lở gây chia cắt địa bàn rất phổ biến, khiến nhiều giáo viên không thể đến các điểm trường ở thôn, học sinh không đến lớp được. Tại huyện Vĩnh Thạnh có tới 30 phòng học phải sửa chữa lớn mới đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh; tại huyện An Lão, 10 phòng công vụ dành cho giáo viên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Còn tại huyện Hoài Ân, trường Mầm non xã Bok Tới bị sập 16m tường rào, nhiều phòng học bị hư hỏng…
Cô giáo Dương Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Tuy Phước (huyện Tuy Phước), cho biết: “Mưa lũ liên tiếp cả tháng qua, học sinh nghỉ học cả 20 ngày nay, không chỉ học sinh mà nhà trường đang mong được đi học lại. Cả tuần nay, ngày nào học sinh cũng gọi điện hỏi giáo viên, giáo viên gọi hỏi tôi khi nào đi học lại”.
Còn thầy hiệu trưởng Trường THPT số 2 Tuy Phước Lê Xuân Giao, chia sẻ: “Do lũ đợt này lớn quá nên việc liên lạc giữa giáo viên với học sinh ở vùng tâm lũ rất khó khăn. Khi lũ rút, đảm bảo an toàn nên nhà trường phải nhờ Đài phát thanh huyện thông báo cho các em đến trường. Hiện nhà trường cũng đề nghị các giáo viên chủ nhiệm các lớp tổng hợp các học sinh đang gặp khó khăn để có biện pháp hỗ trợ các em”.
Vừa trở lại trường sau hơn 1 tuần nghỉ học tránh lũ, em Nguyễn Đăng Khoa, lớp 11 trường THPT Số 1 Tuy Phước (huyện Tuy Phước), vui vẻ chia sẻ: “Được trở lại lớp gặp bạn bè thầy cô, em rất vui. Quan trọng hơn là thi cuối học kỳ sắp đến, trong khi đó nghỉ học dài ngày nên tụi em cũng lo học bài, ôn bài cho kịp thi.
Còn nhóm các học sinh Trường Tiểu học Phước Lộc số 2 (huyện Tuy Phước) thì đang háo hức chờ thầy cô giáo dọn dẹp xong để trở lại lớp. Nguyễn Thị Lan Oanh, học lớp 3 chia sẻ: “Mấy ngày lũ, tụi em ở nhà cũng phụ cha mẹ kê dọn đồ đạc, em phải lo ưu tiên kê sách vở lên cao nhất nên may không có cuốn sách nào bị ướt. Ngày mai được đi học lại chúng em rất vui”.
Chạy đua kịp chương trình thi
Không đến trường, học sinh lo một, giáo viên lo mười, nhất là các thầy cô đang dạy lớp 12 kỳ thi học kỳ 1 cận kề. Theo kế hoạch chung của Sở GD&ÐT, tuần tới sẽ tổ chức thi học kỳ 1. Tuy nhiên, việc nghỉ học nhiều ở giai đoạn cuối học kỳ 1, nhiều trường THPT trong vùng lũ chưa kịp cho học sinh làm bài kiểm tra một tiết ở một số môn. “Sắp tới học bù, kiểm tra dồn dập, rồi thi học kỳ, làm sao có thể đảm bảo chất lượng” - đó là trăn trở của nhiều giáo viên vùng lũ.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Lộc 2, cho hay: “Lũ lụt học sinh nhà trường phải nghỉ học nhiều, chậm với chương trình dạy 3 tuần, nhưng lịch thi học kỳ 1 cuối tháng 12 này. Sau lũ, chắc phải dạy cả thứ 7 và chủ nhật, nhưng nếu chạy đua với chương trình thì không đảm bảo chất lượng”.
Nắm bắt tình hình trên, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản cho phép Sở GD&ĐT chủ động và linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học 2016-2017 nhằm tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên các trường vùng lũ. Ngày 20/12, Sở GD&ĐT Bình Định đã chỉ đạo trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và hiệu trưởng các trường THPT có kế hoạch dạy bù để đảm bảo chương trình theo quy định.
Riêng việc tổ chức thi học kỳ I, các trường bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, tùy tình hình trường lớp thực tế, có thể tiến hành chậm hơn 1 tuần so với quy định. Nhưng tinh thần chung là “học đến đâu thi đến đó” nhằm đảm bảo chất lượng.
Một số hình ảnh trường học ở tỉnh Bình Định ngổn ngang sau lũ liên tiếp:
Nhà sập, hồ tôm mất trắng, sách vở con cái vùi trong đống đổ nát khiến vợ chồng anh Phan Văn Long và chị Phạm Thị Lâm (42 tuổi, trú xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định) thẫn thờ.
Doãn Công