Đắk Nông:

“Biết bao giờ em Pầu mới được quay lại trường?”

(Dân trí) - “Bố mẹ đều không đi làm được nên em Pầu xin nghỉ học. Em nói thế nào con bé cũng không nghe, nó bảo sẽ ở nhà đến khi nào chữa khỏi bệnh cho bố mẹ rồi mới đi học. Thế nhưng giờ miếng ăn còn phải lo từng bữa thì biết bao giờ em ấy mới được quay lại trường?”.

Đó là tâm sự nghẹn ngào của em Giàng Thị Dó - người chị cả mồ côi cha đã phải bỏ học năm lớp 4 để phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học. Thế nhưng, từ đầu năm học này, do bố dượng bị tai nạn giao thông, mắt mẹ lại bị mờ nên cô em gái Giàng Thị Pầu (vừa học hết lớp 6) cũng phải bỏ học...

Ngày ấy, Giàng Thị Dó là học sinh lớp 4 của trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Mặc dù là học sinh ngoan, năng nổ, hoạt bát, học rất giỏi đặc biệt là môn tiếng Anh, nhưng cô bé đã phải tạm gác ước mơ đến trường chỉ vì hoàn cảnh gia đình.

“Em sẽ thay bố để chăm sóc anh và em gái”

Giàng Thị Dó sinh năm 1999 tại một bản người Mông tại thôn Phú Lợi, xã Đắk Nang. Năm 2003, bố em đột ngột qua đời, để lại mẹ và ba anh chị em. Hai năm sau, mẹ em lấy chồng khác rồi đưa các em về ở cùng. Gia cảnh nghèo khó đã buộc nữ sinh này phải xin thôi học để phụ giúp gia đình.

Bức thư xin thôi học ngày đó Dó viết gửi cô giáo và bạn học gần kín 4 mặt giấy. Giọng văn ngắt quãng, câu chữ vụng về, nhưng Dó đã nắn nót từng chữ và cố gắng truyền tải hết những suy nghĩ thật nhất của cô bé hơn 10 tuổi.

Lá thư là tâm sự chân thành của cô học trò nghèo phải nghỉ học
Lá thư là tâm sự chân thành của cô học trò nghèo phải nghỉ học

Dó kể: “Mỗi lần nhìn quần áo cũ của anh và em mình bị rách nhưng vẫn phải mặc vào cho đỡ lạnh trong mùa đông lạnh giá, lòng em lại đau nhói và xót xa cho ba anh em. Mỗi buổi tối khi đi ngủ, em luôn nghĩ xem mình có nên bỏ học hay không. Em đã quyết định bỏ học, em muốn giúp đỡ bố mẹ và cả hai anh em của mình”.

“Em xin lỗi vì không thể nói trực tiếp với cô và cả lớp. Em sợ nếu em nói với cô và cả lớp thì em sẽ không thể bỏ học được. Em sợ em sẽ không thể ngăn chặn được dòng nước mắt. Vì vậy, em mong cô và cả lớp tha lỗi cho em…”, Giàng Thị Dó đã mở đầu bức thư xin thôi học như vậy.

Lý giải thêm về quyết định bỏ học, Dó tâm sự: “Em biết điều này anh của em nên làm, nhưng anh không thể làm được. Vì vậy, em sẽ thay bố để chăm sóc và yêu thương anh và em. Em không chắc mình sẽ làm được, nhưng em sẽ cố gắng để làm được điều đó. Nếu em hy sinh để có thể giúp được nhiều người thì em sẽ làm. Nếu em hy sinh một chút mà có thể giúp được gia đình và ba anh em trong lúc cần thiết thì em sẽ làm”.


Dó chấp nhận nghỉ học để thay bố để chăm sóc anh và em gái.

Dó chấp nhận nghỉ học để thay bố để chăm sóc anh và em gái.

Cô bé cho rằng việc em bỏ học sẽ có người bàn tán, nói ra nói vào nhưng Dó chỉ xin cô giáo và bạn bè cùng lớp một điều: “Cho dù mọi người không hiểu và họ nghĩ em là lười nên mới bỏ học. Cho dù họ nói sao, em cũng không sợ, điều em sợ là cô và lớp mình hiểu lầm em là người như thế. Em chỉ muốn nói là: Em không phải là loại người đó. Nguyên nhân em bỏ học là nhà em quá nghèo, bố mất sớm khi ba anh em còn nhỏ. Bây giờ sống cùng bố nuôi… bố nói rằng, ba anh em ăn nhiều mà lại không đi làm, còn đi học làm gì”.

Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đặc biệt này, cô Huỳnh Thị Thùy Dung, cô giáo của Dó lại bồi hồi xúc động. Cô Dung cho hay, bức thư ấy được một người bạn trong bản của Dó đưa đến, đọc những dòng thư của học trò mình mà cô không cầm nổi nước mắt. Sau đó, bức thư được đọc trước toàn trường, khiến tất cả cô trò của trường tiểu học này nghẹn ngào.

Trong khi đó, cô Đoàn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu thông tin: “Ngày ấy, ngay sau khi nhận được thư, chúng tôi đã tìm đến tận nhà Dó để vận động em quay lại trường. Phải nói rằng suốt thời gian làm nghề, tôi chưa thấy học trò nào khát khao đi học như Dó, nhưng cô bé nói rằng, em phải ở nhà để đi làm, nếu không cả ba anh em sẽ phải nghỉ học”.

Mong các em viết tiếp ước mơ

Dó nghỉ học còn ba anh em mình vẫn tiếp tục đến trường, nhưng được một thời gian người anh cả cũng phải ở nhà để bươn chải kiếm ăn. Thấu hiểu tình cảm của chị gái dành cho mình, Giàng Thị Pầu, Vàng Thị Hóa và Vàng A Tuấn quyết tâm thực hiện tiếp ước mơ của chị.

Dó cho hay: “Em biết cuộc sống của người dân chúng em còn lắm gian lao, vất vả. Em cũng hiểu rằng chỉ có học thật tốt thì mới thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, nên em chẳng có mong ước gì khác là những đứa em được học hành đến nơi, đến chốn. Cuộc đời bố mẹ, cuộc đời anh chị của chúng đã khổ rồi, mong sao tương lại của chúng sẽ sáng hơn”.

Dó khẳng định: “Chừng nào em còn làm được, em sẽ không để các em phải thất học”
Dó khẳng định: “Chừng nào em còn làm được, em sẽ không để các em phải thất học”

Thế nhưng, từ đầu năm học này, do bố dượng bị tai nạn giao thông, mắt mẹ lại bị mờ nên cô em gái Giàng Thị Pầu (vừa học hết lớp 6) cũng phải bỏ học. Dó nghẹn ngào: “Bố mẹ đều không đi làm được nên Pầu xin nghỉ học. Em nói thế nào con bé cũng không nghe, nó bảo sẽ ở nhà đến khi nào chữa khỏi bệnh cho bố mẹ rồi mới đi học. Thế nhưng giờ miếng ăn còn phải lo từng bữa thì biết bao giờ em ấy mới được quay lại trường”.

Cảm phục tình cảm của chị, hai em của Dó hứa với chị, sẽ đi học để thực hiện ước mơ mà cô dang dở
Cảm phục tình cảm của chị, hai em của Dó hứa với chị, sẽ đi học để thực hiện ước mơ mà cô dang dở

Hàng ngày, ngoài công việc nương rẫy, Dó còn tranh thủ thêu thùa và may vá quần áo để đỡ đần bố mẹ, cho hai đứa em còn lại yên tâm đi học. Dó tâm sự, chừng nào còn làm được, em sẽ không để các em phải thất học. Đối với Pầu, Dó sẽ xin nhà trường tạo điều kiện cho đi học lại chứ không để nó phải khổ như mình. “Dù có đi ăn xin, em hứa sẽ để ba đứa em được đến trường”.

Cảm phục trước tình cảm của chị, Vàng Thị Hóa - em cùng mẹ khác cha với Dó chia sẻ: “Chúng em được đi học một phần là nhờ chị, không những chị thuyết phục bố mẹ mà còn lo cho bọn em sách vở, quần áo mới. Chúng em đã hứa với chị, sẽ đi học để thực hiện ước mơ mà chị dang dở”.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm