Bí thư Thái Nguyên: "Tôi đã rất run... khi lần đầu đứng trên bục giảng"

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cựu giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội về giờ dạy đầu tiên của bà khi còn trẻ.

Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với Bách khoa: Giờ giảng đầu tiên run run, hồi hộp; bao ngược xuôi vất vả của một nhà khoa học nữ vừa lo việc nhà, vừa lo việc trường; những hoạt động Đoàn sôi động, nhiệt huyết tuổi trẻ…

Bí thư Thái Nguyên: Tôi đã rất run... khi lần đầu đứng trên bục giảng - 1

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên - cựu giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội: "Bách khoa là cái nôi bồi dưỡng, đào tạo và chắp cánh cho tôi".

Giờ giảng đầu tiên ở Bách khoa

Thưa bà, bà có thể chia sẻ câu chuyện về cái duyên làm giảng viên bộ môn Vật lý lý thuyết tại Đại học Bách khoa của mình được không?

- Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nhà giáo, bố mẹ tôi đều là nhà giáo có thời gian công tác rất lâu trong ngành giáo dục.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Vật lý lý thuyết, tôi đã mạnh dạn nộp hồ sơ làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội - một trường hàng đầu về công nghệ của nước ta chỉ với một mong muốn là những kết quả nghiên cứu về lý thuyết sẽ có điều kiện kiểm chứng và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ.

Ông xã tôi cũng là cựu sinh viên K29 ngành Hệ thống điện của trường nên cũng rất muốn và tạo điều kiện cho vợ trở thành người Bách khoa.

Bí thư Thái Nguyên: Tôi đã rất run... khi lần đầu đứng trên bục giảng - 2

Hình ảnh Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải thời còn là giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội khi đang hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học chuyên ngành Vật lý. 

Bà còn nhớ cảm xúc khi lần đầu tiên khi đứng trên giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội dạy học?

- Sinh viên Bách khoa đa số là nam, học lực thường rất giỏi, thông minh và cũng không kém phần nghịch ngợm, khi ấy tôi còn rất trẻ chỉ mới 28 tuổi nên có thể nói lần đầu đứng lớp tại Bách khoa là một kỷ niệm khó quên.

Sau một thời gian chuẩn bị và trải qua những bước tập sự như hướng dẫn thí nghiệm, chữa bài tập cho sinh viên, tôi đã được thầy trưởng bộ môn thông báo sẽ lên lớp dạy lý thuyết cho một lớp có khoảng 200 sinh viên.

Lúc đó tôi vừa mừng nhưng cũng rất lo lắng và hồi hộp chuẩn bị từ hộp phấn, cách vẽ hình minh họa và trình bày bảng thế nào? sao cho thật logic và sáng sủa,…và rồi giờ giảng đó cũng đã đến, bước vào lớp trước ánh mắt của hàng trăm sinh viên lần đầu nhìn thấy cô giáo mới, tôi có cảm giác run lắm, tim đập thình thịch,…

Tôi đã phải cố gắng trấn tĩnh và không dám nhìn xuống phía sinh viên, nhưng khi bắt đầu vào bài giảng, khi biến đổi những công thức, con số, hình vẽ trên bảng và thấy cả lớp học im phăng phắc, lắng nghe cô giáo thì mọi lo lắng, hồi hộp tan biến hết và có thể nói giờ giảng đầu tiên tại ĐH Bách khoa Hà Nội của tôi đã khá thành công, lúc đó tự thấy mình phục… mình quá!.

Bí thư Thái Nguyên: Tôi đã rất run... khi lần đầu đứng trên bục giảng - 3

Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên: "Thời gian hoạt động Đoàn đã giúp tôi trưởng thành và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành công việc". (Ảnh: H.H)

Muốn thành công phải rất nỗ lực và trách nhiệm

Tại Bách khoa, bà còn gắn bó với công tác Đoàn, là Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ khi làm công tác Đoàn tại ngôi trường nhiều nam sinh như Bách khoa Hà Nội?

- Trong suốt thời gian tôi công tác tại Bách khoa Hà Nội, ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tôi đều tham gia công tác Đoàn. Vì vậy, trải qua nhiều cương vị công tác và cho đến bây giờ, đang là người đứng đầu cấp ủy của một Tỉnh nhưng tôi vẫn luôn giữ cho mình một tác phong "thanh niên" và nhiệt huyết của một cán bộ đoàn năm xưa

Tôi nhớ hồi tôi là Bí thư Liên chi Đoàn Viện Vật lý Kỹ thuật tổ chức giải đá bóng, khi đó tôi có đi gặp một số thầy, chủ nhiệm đề tài khoa học để vận động xin kinh phí, Thầy có nói một câu đến bây giờ tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc lại với các cán bộ Đoàn lớp sau: "Này, người trẻ mà lại đi xin người già! Nó hơi ngược đời đấy, Bí thư ạ!". Lẽ ra thanh niên phải tự làm ra kinh phí, trang trải cho những hoạt động của mình.

Từ đấy, tôi thấy ngoài việc hoạt động phong trào, mình cũng cần tổ chức những hoạt động bề sâu, ví dụ xin cơ chế đề nghị các khoa giao đề tài nghiên cứu khoa học, những phần việc cho thanh niên, cho những nhà khoa học trẻ. Về sau chúng tôi cũng gây dựng được một quỹ để có thể chủ động tự trang trải cho những hoạt động thông thường.

Khi làm Bí thư Đoàn trường, tôi hay nói chuyện với sinh viên: "Mình là một Bí thư đoàn, cán bộ đoàn, nhưng khi tổ chức các hoạt động vẫn phải tự mình chủ động, tích cực "sắm vai" người phục vụ trong chuẩn bị, phòng ốc, trang âm,… và sau đó lại "sắm vai" người điều hành lên đọc diễn văn khai mạc.

Người làm công tác Đoàn phải đa năng như vậy thì công việc mới thành công, suôn sẻ được và tuyệt đối không được nghĩ mình là lãnh đạo rồi thì và giao việc cho các bạn. Mình phải làm được mọi thứ, có như vậy các bạn mới nể phục và mình mới thực sự là một "thủ lĩnh" trong lòng các bạn

Cũng từ kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện, các hoạt động cho sinh viên Bách khoa, tôi đã rút ra được rất nhiều bài học quý giá cho bản thân mình, chẳng hạn như trong nhiều việc thành công và thất bại nhiều khi chỉ cách nhau gang tấc. Bởi vậy nên ngoài sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình mỗi cán bộ đoàn còn cần phải rèn luyện cho mình sự thận trọng, chỉn chu trong mọi hoạt động.

Có thể thấy, thời gian hoạt động Đoàn đã giúp tôi trưởng thành và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành công việc. Muốn thành công thì luôn phải nhiệt huyết, nỗ lực và trách nhiệm.

Bí thư Thái Nguyên: Tôi đã rất run... khi lần đầu đứng trên bục giảng - 4

PGS Nguyễn Thanh Hải trao đổi với sinh viên về nghiên cứu khoa học.

Nữ Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2007

Đam mê nghiên cứu khoa học, trở thành nữ Phó giáo sư (PGS) trẻ nhất Việt Nam năm 2007. Bà có ấn tượng sâu sắc nào với đồng nghiệp trong quãng thời gian nghiên cứu khoa học tại Bách khoa Hà Nội không?

- Là một giảng viên nữ lại hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, vừa phải đảm bảo công tác giảng dạy, vừa phải nghiên cứu khoa học nên tôi khá "vất vả".

Có những vấn đề, nhóm chúng tôi đã nghiên cứu, tính toán ra kết quả về mặt lý thuyết, nhưng cần phải có sự so sánh, kiểm chứng với thực nghiệm, do vậy cần phải có mối liên hệ, phối hợp với các phòng thí nghiệm chuyên ngành.

Rất may mắn cho tôi trong thời gian giảng dạy tại Bộ môn Vật lý lý thuyết, ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi đã được nhiều thầy, cô và các đồng nghiệp của Viện đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) nơi có một số phòng thí nghiệm về Khoa học Vật liệu hiện đại nhất Việt nam thời gian đó, nhiệt tình trợ giúp đỡ và tạo điều kiện.

Để hội tụ đủ các điều kiện, tiêu chuẩn trở thành PGS, cần có những nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, cũng như các hội thảo trong nước và quốc tế.

Bộ môn Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý Kỹ thuật của trường nơi tôi công tác suốt 12 năm đã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi như tạo điều kiện cho tôi được tham gia nhiều hoạt động khoa học trong nước và quốc tế, nhiều khi các thầy cô trong bộ môn còn "gánh" bớt một số tiết dạy để tôi có thời gian tham dự những hội nghị khoa học.

Tôi luôn ghi nhớ và tri ân những sự chia sẻ và giúp đỡ quý báu đó, đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay, và giờ mình lại có trách nhiệm tiếp tục tạo điều kiện cho những người trẻ khác.

Bí thư Thái Nguyên: Tôi đã rất run... khi lần đầu đứng trên bục giảng - 5

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: "Phụ nữ dù hiện đại đến đâu vẫn luôn phải là người giữ lửa cho gia đình".

Phụ nữ nghiên cứu khoa học vất vả hơn nam giới bởi còn đảm nhận thiên chức người vợ, người mẹ. Vậy bà làm thế nào để chu toàn "việc nước, việc nhà"?

- Tôi rất tâm đắc câu nói: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Tôi cho rằng, phụ nữ dù hiện đại đến đâu vẫn luôn phải là người giữ lửa cho gia đình.

Để làm được như vậy, bí quyết của tôi là sắp xếp thời gian hợp lý giữa các giờ dạy, các giờ nghiên cứu khoa học và thời gian rảnh. Ví dụ buổi trưa tôi vẫn đi chợ cho gia đình, buổi tối tranh thủ nấu cơm. Nếu có thời gian tôi sẽ bày vẽ nhiều món, còn không sẽ bố trí hợp lý trong khoảng thời gian eo hẹp của mình.

Tôi luôn tâm niệm: "Phụ nữ phải luôn luôn hạnh phúc trong gia đình và tỏa sáng trong công việc, như vậy mới là thành công trọn vẹn!".

Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

PGS. Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: "Bách khoa là cái nôi bồi dưỡng, đào tạo và chắp cánh cho tôi. Nhiều phẩm chất, tính cách chung của con người Bách khoa như thẳng thắn, trung thực, mạnh mẽ và quyết đoán trong công việc nhưng lại mộc mạc, giản dị, khiêm tốn và hòa đồng trong cuộc sống đã luôn được tôi phát huy trên bất kỳ một vị trí công tác nào.

Trong công việc cũng đã có người góp ý "làm lãnh đạo mà thẳng thắn quá nhiều khi cũng gây áp lực cho cấp dưới, nhưng thẳng thắn vẫn là rất tốt", rút kinh nghiệm từ những góp ý đó, tôi đã luôn cân bằng giữa thẳng thắn và mềm mỏng, hài hòa nhưng tôi nghĩ tất cả vẫn phải dựa trên cái gốc là sự thẳng thắn, trung thực, dám đương đầu." 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm