Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Học để biết cách làm cha, làm mẹ!
(Dân trí) - Học để làm cha, làm mẹ, biết xây dựng gia đình hạnh phúc... là một trong những điều ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM nhắn ngủ ngành giáo dục, giáo viên, học sinh tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của TPHCM.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt ra vấn đề học tập trước câu hỏi "Học để làm gì", câu trả lời đã có sự thay đổi so với trước đây. Việc học là để làm công dân tốt - công dân của nước Việt Nam trong thời đại hội nhập; Học để làm người con hiếu thảo và có trách nhiệm; Học để biết cách làm cha, làm mẹ, biết xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu ra những dẫn chứng qua những thông tin về hiện tượng diễn ra tại một số nơi ở châu Á như tự kết hôn với mình, người ta không yêu ai hết mà chỉ yêu bản thân nên họ tự cưới chính mình, nhiều cá nhân ở các nước chỉ ưa căn hộ 15m2, phản ánh việc nhiều người chọn sống một mình...
Từ đó, ông Nhân ra câu hỏi liệu chúng ta có nên theo xu hướng đó hay không, nếu theo hướng đó thì xã hội không phát triển bền vững. Chúng ta cần nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục học sinh về truyền thống Việt Nam, dạy các em phải biết trân trọng gia đình.
Ông nhấn mạnh, học để có một cái nghề hiệu quả, học để đóng góp cho quê hương, đất nước và cho nhân loại. Nhưng một xã hội bền vững thì người dân không chỉ có thu nhập cao mà phải biết gìn giữ và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Về nhiệm vụ giáo dục, TPHCM muốn đi đầu cả nước, muốn tăng khả năng cạnh tranh, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng giáo dục đạt đến trình độ quốc tế, từ các cấp học phổ thông đến các trường nghề cũng như các cấp học cao hơn.
TPHCM quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, do đó việc các cơ sở giáo dục ứng dụng CNTT trong giảng dạy, xây dựng trường học thông minh, quản lý giáo dục, học sinh, các dịch vụ giáo dục bằng giải pháp công nghệ thông minh rất quan trọng. Điều này tạo tảng lớn để chúng ta hướng đến mục tiêu biến TPHCM thành đô thị hiện đại, thông minh.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến giữa năm 2019, thành phố đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân. Thành phố đang hướng đến chỉ tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi).
Đây là một thách thức của thành phố khi sĩ số học sinh hàng năm tăng cao. Như năm vừa rồi, ở bậc tiểu học sĩ số học sinh cao hơn năm trước và tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày bị giảm.
Năm 2019-2020, TPHCM tăng thêm gần 76.000 học sinh các cấp, nhiều nhất ở bậc THCS, tiểu học tập trung ở các quận huyện ngoại thanh. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp lại.
Ưu tiên đất cho giáo dục
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, ông Lê Thanh Liêm đề nghị lãnh đạo UBND các quận, huyện rà soát lại quy hoạch đất tại địa phương, phải tập trung ưu tiên đất cho giáo dục.
TPHCM đang bị quá tải học sinh, sĩ số tăng cao, học sinh được học 2 buổi/ngày giảm (ảnh minh họa)
Theo đó, giao Sở GD-ĐT TPHCM làm đầu mối, tổ chức đánh giá về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học cao, gặp khó khăn đặc biệt trong công tác xây dựng trường học.
Các sở ngành có liên quan cùng tham gia để tham mưu những giải pháp tháo gỡ khó khăn về quy hoạch đất cho giáo dục, về giải phóng mặt bằng,…
Thường trực UBND thành phố sẽ chủ trì để cùng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục; phải đảm bảo đủ trường lớp, giảm sĩ số học sinh theo quy định và phấn đấu để 100% học sinh được học 2 buổi/ngày; đây là những điều kiện rất quan trọng để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Hoài Nam