Bí quyết "trị" học sinh bướng của thầy giáo trường nghề

Nguyên Chi

(Dân trí) - Thầy giáo Nguyễn Quốc Đoàn Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh đã có bí quyết "trị" học sinh bướng khiến nhiều em “hễ khi thầy rầy la là cười tủm".

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đoàn (sinh năm 1988) hiện là Phó Trưởng khoa Cơ khí kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7, TPHCM).

Hai năm liên tiếp (2019, 2020), anh là Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương. Tính riêng trong năm 2020, Nguyễn Quốc Đoàn vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và mới đây là giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Thành phố, giải Khuyến khích Hội giảng Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM năm 2020.

Bí quyết trị học sinh bướng của thầy giáo trường nghề - 1

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đoàn - Phó Trưởng khoa Cơ khí kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7, TPHCM). (Ảnh: Nguyễn Quang)

 Hai “mối duyên” của chàng trai miền Tây

Trò chuyện với chúng tôi về lý do đến với ngành Cơ khí, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, cậu học trò quê Tiền Giang lúc ấy không định học đại học vì gia đình không có điều kiện. Trước đó, khi được học nghề ở cấp ba thì anh cũng đã nhận thấy mình có thế mạnh về máy móc, cơ khí.

Do vậy, Đoàn đã dự tính học trường Trung cấp và từ Tiền Giang lên TPHCM học ngành Cơ khí của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh).

Bí quyết trị học sinh bướng của thầy giáo trường nghề - 2

Thầy giáo Nguyễn Quốc Đoàn trong một chương trình Hướng nghiệp Phân luồng Học sinh THCS tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.

Sau khi tốt nghiệp, Quốc Đoàn đến với công việc đầu tiên ở một công ty xe khách. Khi làm, Đoàn nhận thấy cần học tiếp lên để mở mang kiến thức. Vậy là sau hai tháng làm việc, anh đã dừng làm để học Liên thông Cao đẳng tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.

Cũng vào dịp đó, anh thấy Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh tuyển nhân viên Quản lý học sinh nên nộp hồ sơ. Hiệu trưởng nhà trường khi ấy là Thạc sĩ Nguyễn Đức Trung thấy “cậu này quen quá, từng là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường mà” nên ưu tiên nhận vào.

Tiếp đó, anh học Liên thông lên Đại học và tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Ô tô Trường Đại học Công nghiệp TPHCM năm 2013.

Khi làm công việc Quản lý học sinh, anh thấy trở nên yêu thích nghề giáo viên nên học chứng chỉ Sư phạm bậc 1, học chuyên môn, nghiệp vụ Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp và một số kỹ năng nghề.

Năm 2018, khi Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh cần lực lượng quản lý và giảng dạy ở khoa Cơ khí, Quốc Đoàn đã “đầu quân” làm giáo viên của khoa và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa.

Anh lấy bằng Thạc sĩ Quản lý Giáo dục năm 2019 và hiện đang học văn bằng hai Đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Trà Vinh.

Thầy Nguyễn Quốc Đoàn chia sẻ về việc đảm nhiệm hai vai trò: giáo viên và Bí thư Đoàn trường

Còn về “mối duyên” gắn bó với công tác Đoàn, chàng Bí thư cho biết mình có đam mê công tác Đoàn từ nhỏ. Đến khi vào học tại Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh, năm 2007 anh trở thành Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, có cơ hội được rèn luyện công tác Đoàn cùng các anh chị em trong BCH cũng như được các thầy cô tạo điều kiện động viên, hỗ trợ.

Năm 2014, Nguyễn Quốc Đoàn là Thường vụ Phó Bí thư, đến năm 2017, anh đảm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh.

Với mô hình diễn đàn học thuật cho giáo viên và học sinh, đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo, tăng cường giao lưu, trao đổi, liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp, trường khác có cùng chuyên ngành, năm 2020, Nguyễn Quốc Đoàn là một trong bốn cán bộ Đoàn tiêu biểu của TPHCM, là một trong 82 cán bộ Đoàn xuất sắc toàn quốc vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Bí quyết trị học sinh bướng của thầy giáo trường nghề - 3

Thành tích tiêu biểu của thầy giáo Nguyễn Quốc Đoàn - Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7, TPHCM). (Nguồn: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh).

Người thầy cực tâm lý

Khi trở thành giáo viên khoa Cơ khí, Nguyễn Quốc Đoàn mới thấy những kinh nghiệm đúc rút được trong 10 năm làm quản lý học sinh đã hỗ trợ anh rất nhiều trong giảng dạy. Hiểu tâm lý học sinh nên anh đã chọn được phương pháp phù hợp để tiếp cận và qua đó định hướng cho các em.

Một mô hình được Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đoàn phát triển đó là chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo điều kiện cho các em tìm hiểu về nghề mà mình sẽ theo đuổi.

Theo đó, ngay từ đầu khóa học, từng khoa tổ chức cho các em tham quan nhà máy, quan sát tác phong công nhân viên. Sau khi tham gia chương trình này, thầy Đoàn nhận thấy học sinh có thay đổi rõ rệt, các em tự động nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy của trường lớp.

Thầy Nguyễn Quốc Đoàn chia sẻ: “Khi học Liên thông từ Trung cấp lên, các em có nhiều thuận lợi hơn so với những bạn cùng trang lứa vì trải qua nhiều va chạm, đúc rút được kinh nghiệm.

Điều này được tôi rút ra từ chính bản thân. Trước đây, tôi là người khá “bộp chộp”, nghĩ gì nói đấy. Nhưng qua các chương trình làm việc và qua học tập, tôi dần trở nên điềm đạm, bớt nóng nảy”.

Bí quyết trị học sinh bướng của thầy giáo trường nghề - 4

Thầy Nguyễn Quốc Đoàn (thứ ba, từ trái qua) hướng dẫn học sinh thực hiện vận hành và sửa chữa phanh khí nén.

Qua cuộc trò chuyện với chúng tôi, thầy Đoàn cũng "bật mí" một bí quyết “trị” học sinh bướng, đó là không rầy la, dạy dỗ các em trước mặt nhiều bạn khác vì như vậy các em dễ phản ứng lại, không muốn mình bị thua. Người thầy nên chờ dịp khác, gọi các em ra chỗ riêng để căn dặn. Cũng chính một cậu học sinh từng phản ứng mạnh với thầy Đoàn trước lớp đến khi được thầy gặp riêng nói chuyện lại trở lên “xuống nước”, nói “em biết lỗi rồi”.

Thầy Đoàn cho biết bí quyết này đặc biệt hiệu quả với đối tượng học sinh ngành Cơ khí động lực vì theo học ngành này đều là những em nam rất hiếu động (cũng giống như mình hồi trước).

Đến bây giờ, khi học sinh đã trở nên quen thuộc với tính thầy Đoàn rồi thì “hễ khi thầy rầy la là cười tủm”. Chính điều đó làm quan hệ thầy trò trở nên rất mềm mại, tình cảm.

Thầy Đoàn nhấn mạnh rằng, giáo viên cần phải tạo niềm tin với học trò. Với những học sinh "có vấn đề" thì thường là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình (ví dụ như các em chỉ ở với cha hoặc mẹ, hoặc ở với ông bà, hoặc vẫn ở với cha mẹ nhưng cha mẹ bận mưu sinh), các em thiếu thốn tình cảm nên nảy sinh các vấn đề. Khi thầy trao đổi với gia đình và hiểu được hoàn cảnh của học sinh thì mới trò chuyện với các em. Từ đó, các em chịu lắng nghe thầy, qua đó các em thấy ổn hơn và thầy lại động viên thêm các em để vượt qua "vấn đề" của mình.

Bí quyết trị học sinh bướng của thầy giáo trường nghề - 5

Thầy giáo Nguyễn Quốc Đoàn cho biết những kinh nghiệm đúc rút được trong 10 năm làm quản lý học sinh đã hỗ trợ anh rất nhiều trong giảng dạy. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Nhận xét về thầy giáo Nguyễn Quốc Đoàn, Thạc sĩ Bùi Hồng Phong - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: “Thầy Nguyễn Quốc Đoàn là một Đoàn viên, Bí thư chi Đoàn năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, Mùa hè xanh... cùng với Thành Đoàn.

Về chuyên môn, với cương vị Phó Trưởng khoa Cơ khí, thầy Đoàn giúp nhà trường rất nhiều trong hoạt động đào tạo học sinh, thực hiện tốt công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp.

Với những nỗ lực và đóng góp của mình, thầy Đoàn đã gặt hái được nhiều giải thưởng, mới đây nhất là giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Thành phố, cấp Trung ương, giải Khuyến khích trong Hội giảng Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM năm 2020.”

Trải qua quá trình công tác với những nỗ lực miệt mài của mình, thầy giáo Nguyễn Quốc Đoàn đã nhận được nhiều giải thưởng, tiêu biểu như:

Thanh niên Tiên tiến TPHCM làm theo lời Bác năm 2020; Giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 - 2020; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM năm 2016, 2018; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vì đóng góp xuất sắc vào công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2019;

Kỷ niệm chương vì Thế hệ trẻ năm 2019; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2019, 2020; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Thành phố năm 2020; Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm