Bí quyết để "con tự học, cha mẹ tự do"
(Dân trí) - Sự tự học của con là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chính phụ huynh. Bởi vậy, thay vì chỉ tập trung vào rèn con, các bậc cha mẹ cũng cần thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh hành vi của bản thân.
Tại hội thảo "Con tự học, cha mẹ tự do" vừa qua, PGS. TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, tự học không chỉ có nghĩa là con chủ động mở sách vở, ngồi vào bàn học đúng giờ. Tự học nghĩa là con xác định được mục tiêu, lên kế hoạch, chủ động thực hiện; con chủ động lựa chọn phương pháp cũng như người sẽ hỗ trợ mình quá trình học tập; đồng thời trẻ có thể chịu trách nhiệm về kết quả học tập, lao động của bản thân.
Trong bối cảnh giáo dục công dân toàn cầu, mỗi người cần biết nắm bắt thế giới và rèn luyện kỹ năng tự lập, tự chủ, tự lãnh đạo bản thân. Để hình thành năng lực người học, cần có: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Làm thế nào để con tự học?
PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho hay, để giúp trẻ tự học, tự chủ là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và vun đắp từ chính "cái nôi" gia đình. Sự chuẩn bị của cha mẹ, bồi đắp niềm tin cho con là những bước khởi đầu cơ bản cho quá trình giúp con trẻ tự học được trong tương lai. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần có sự cởi mở trong nhận thức, sẵn sàng đón nhận cái mới nhưng không quên đồng hành cùng con.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh: "Chúng ta không thể tự giàu có, tự hạnh phúc mà muốn hạnh phúc phải đặt mình trong chính bối cảnh của xã hội. Chúng ta cần học tập suốt đời, cần có kỹ năng tự học". Sự học giúp mỗi người mở mang tầm kiến thức, hiểu biết chứ không phải học chỉ để lấy điểm.
Hành trình giúp con tự học bắt đầu từ sự thấu hiểu, tạo động lực, bằng cách:
- Khen ngợi, ghi nhận sự nỗ lực của con
- Ghi nhận những hành vi xứng đáng
- Ứng xử công bằng giữa mọi người
- Lắng nghe những mối quan tâm của con
- Giúp con cân bằng
- Hướng dẫn con thực hiện
- Tạo sự tin tưởng cho con.
Cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ
PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, cha mẹ cần có phương pháp để hướng trẻ đến suy nghĩ "con có thể làm được" bằng chính sự kiên trì, nỗ lực, thay vì "con không biết" hay "con không thể làm được". Hơn thế nữa, khi thấu hiểu thì phụ huynh có thể giúp con kết nối với cuộc sống rộng lớn ngoài kia.
Một số bậc phụ huynh có thói quen kiểm tra bài vở của con một cách bất ngờ. Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự nghi ngờ, không tin tưởng độ trung thực trong quá trình học tập của con. Điều này có thể khiến trẻ rơi vào tâm lý bị giám sát, không thoải mái. Cha mẹ nên dành thời gian quan sát và nếu nhận thấy con có những "biểu hiện" không trung thực thì hãy khéo léo trò chuyện "gỡ rối" cùng con.
Sự đồng hành hiệu quả của cha mẹ chỉ đạt được khi tìm ra phương pháp chỉ dạy đúng, phối hợp cùng sự giáo dục của thầy cô, học hỏi từ bạn bè.
Cần phải hiểu, sự tự học của con là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chính phụ huynh. Bởi vậy, thay vì chỉ tập trung vào rèn con, các bậc cha mẹ cũng cần thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh hành vi của bản thân. Cha mẹ chính là người quyết định rằng con cái của mình có thể trở thành đứa trẻ tự học, tự chủ được hay không.