Bí quyết của nữ sinh đạt điểm 10 tuyệt đối môn Sử
(Dân trí) - Có phương pháp học tập khoa học và đặc biệt là dõi theo tin tức thời sự, Lê Thị Thanh Phương Thảo (nữ sinh THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An, Quảng Nam) đạt điểm 10 tuyệt đối môn Sử. Thảo cũng là thí sinh có bài thi đạt điểm 10 duy nhất của 4 cụm thi do ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên chủ trì trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Học chuyên Văn, đạt điểm 10 môn Sử
Cô bạn học lớp chuyên Văn nói rằng em “bén duyên” với niềm yêu thích môn học Lịch sử từ khi học được phương pháp để không “ngán” môn Sử với khối lượng kiến thức rất nhiều. Thảo nói: “Môn chuyên của em là môn Văn nên khi tính vào ngành học tuyển sinh khối C, nói thiệt là em sợ nhất môn Sử. Khối lượng kiến thức quá lớn, và em cứ học phần này thì lại quên phần kia nên “lấn quấn”. Sau đó, em được học các thầy giáo dạy môn Lịch sử ở trường em là thầy Tri và thầy Hòa để tìm ra phương pháp khoa học, không “ngán” môn Sử nữa.
Thay vì cứ học miên man thì em cứ học trong khoảng 5 - 10 phút chờ cho thẩm thấu kiến thức rồi em lại học tiếp. Em chọn những lúc mình có cảm hứng, tâm trạng thoải mái để học bài chứ không học khi căng thẳng vì bài vở nhiều quá. Cứ như vậy, em lại yêu thích học môn Lịch sử từ lúc nào không biết, cùng với những câu chuyện lịch sử thú vị được học ở các thầy. Đạt được điểm thi cao bất ngờ như hôm nay, em rất cảm ơn các thầy đã chỉ dạy cho em phương pháp học và cả truyền cảm hứng để em cảm thấy học thực sự vì yêu thích chứ không phải”nhồi nhét” kiến thức để đi thi”
Tin vui đạt điểm 10 môn Lịch sử đến với Lê Thị Thanh Phương Thảo, cô học trò nhỏ nhắn ở vùng ngoại ô thuộc xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam) rất bất ngờ. Thảo chia sẻ, để bổ sung kiến thức các môn học nghiêng về xã hội của khối C, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, em thường xuyên theo dõi tin tức thời sự trên báo, đài. Tổng điểm 3 môn thi khối C của Thảo rất cao với điểm thi Văn, Địa đều đạt 8 điểm cùng với điểm 10 môn Lịch sử. Ngay trong bài thi điểm 10 môn Lịch sử của mình, ở câu hỏi mở về phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc ở thế hệ trẻ, Thảo đã đưa ra vấn đề thời sự biển Đông để minh họa cho lập luận thế hệ trẻ cần đoàn kết cùng nhau để đấu tranh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng hướng theo tinh thần đàm phán, hòa bình và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp thế giới.
Cô bạn đạt điểm 10 môn Sử cũng chia sẻ thêm là chỉ vận dụng kiến thức thời sự xã hội phù hợp với những câu hỏi mở. Còn với những câu hỏi trực tiếp kiến thức lịch sử thì trả lời trực tiếp, trình bày đủ ý, ngắn gọn và xúc tích.
“Ba má đừng lo, con sẽ tìm việc vừa học vừa làm để đỡ học phí”
Hoàn cảnh gia đình Thảo khó khăn. Cô học trò nhỏ nhắn, hiền lành không giấu được nước mắt khi nghĩ về cha mẹ. Thảo kể: “Má em đi làm phụ hồ, nắng nôi vất vả, đi làm xa mấy má cũng đi xe đạp, quyết không mua xe máy. Ba làm thủy nông, dầm mưa dãi nắng mà nhiều khi thu hoạch chẳng được là bao. Nuôi con, ba má còn chăm sóc bà nay đã già yếu. Vất vả, cực nhọc, nhưng ba má chẳng khi nào nghĩ cho mình. Khi em thi đậu và đi học ở trường chuyên cách nhà xa quá, ba má chẳng tiếc chi mà sắm cho em chiếc xe đạp điện. Còn phần mình, ba má không dám mua xe máy để má đi làm xa đỡ vất vả, không dám ăn tiêu, mua sắm chi. Em nghe ba má tính phải chắt chiu dành dụm để lỡ đâu em thi đậu đại học thì còn có mà lo cho em. Nghĩ thương ba má, em càng ước chi mình học hành xong ra trường có công ăn việc làm đàng hoàng thiệt nhanh để ba má đỡ lo lắng, vất vả”
Phương Thảo tâm sự, ước mơ từ lâu của em là được học và sau này được đi làm báo. Ba má em cứ lo tính cách con gái hiền lành, nhút nhát; lại thêm nếu như em tính là vào TPHCM học thì chi phí học hành ở thành phố rất tốn kém.
Thảo bộc bạch: “Kinh tế gia đình eo hẹp, em hiểu nỗi lo của ba má. Đã có lúc em từng tính rẽ sang ngã khác chứ không đi theo ước mơ của mình khi nghĩ về hoàn cảnh gia đình mình. Nên khi ba má nói lo, em đã trấn an ba má, và cả trấn an mình, rằng vào thành phố học, em sẽ tìm việc vừa học vừa làm thêm để đỡ được cho ba má phần nào lo lắng ấy”.
Trò chuyện với chúng tôi, bao nhiêu nỗi vất vả của người làm cha làm mẹ đã cực nhọc mưu sinh như tan biến đâu mất trong nụ cười hạnh phúc của ba má Thảo khi nói về con. Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ của Thảo trải lòng: “Mình đi làm vất vả rứa chớ nhiều khi về nhà nhìn hai đứa con ngoan ngoãn, biết tự bảo ban nhau học hành là tự nhiên hết mệt. Mình hầu như không phải lo nhắc con học, nhiều khi thấy con học nhiều quá, mình còn nhắc con giữ gìn sức khỏe. Hồi xưa mình cực khổ quá, học không tới lớp 5, chừ mới phải làm việc nặng nhọc ri đây để mà mưu sinh. Con cái mình được học hành tới nơi tới chốn, có tương lai hơn mình. Nên con học được chừng mô là mình ráng lo nuôi con ăn học tới chừng đó”.
Tâm An