Bị “ép” học trái ngành, HS bức xúc
(Dân trí) - Lúc tuyển sinh, trường thông báo đến 11 ngành nhưng học gần 1 năm kiến thức văn hóa thì trường bắt học sinh chỉ được chọn 5 chuyên ngành ưu tiên. Chuyện "trái khoáy" này xảy với hơn 200 học sinh đang học TCCN khóa 2011 của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM.
Sau gần 1 năm học chương trình bổ túc kiến thức văn hóa, hơn 200 học sinh (HS) trung cấp đang háo hước chuẩn bị vào học chuyên ngành. Thế nhưng ngày 10/4, các HS đang học trung cấp chuyên nghiệp khóa 2011 bất ngờ nhận được yêu cầu điền vào Phiếu đăng ký ngành học. Mẫu phiếu đăng ký có đề sẵn: “Sau khi cân nhắc và suy nghĩ, em xin đăng ký nguyện vọng của mình theo ngành học…”. Bên dưới cũng ghi rõ: “Các ngành ưu tiên mở trong năm học 2012-2013 (học sinh chọn một trong các ngành dưới đây): Xây dựng, Kế toán, Tài chính – ngân hàng, Quản trị nhà hàng, Tin học”. Điều này khiến nhiều HS không khỏi hoang mang.
Em L.Q.P. học lớp 11TC9B bức xúc: thấy trường thông báo tuyển đến 11 ngành (Kỹ thuật điện tử, Điện công nghiệp, Tin học, Hạch toán Kế toán, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Kỹ thuật công nghệ may và thiết kế thời trang, Quản trị nhà hàng, Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Nhiệt công nghiệp, Công nghệ bảo quản và chế biến thực phẩm, Tài chính ngân hàng) trong đó có em thích ngành Công nghệ bảo quản và chế biến thực phẩm nên mới đăng ký vào học. Cứ tưởng được tự nguyện lựa chọn nên em vẫn điền tên ngành này vào phiếu đăng ký thế nhưng lại bị trả lại. Hỏi thì mới biết vì ngành em chọn không phải ngành “ưu tiên”, buộc lòng em phải đăng ký sang ngành Xây dựng. Dù ấm ức nhưng P. cũng phải chịu vì dù sao cũng đã bỏ gần 1 năm học phần bổ túc kiến thức văn hóa rồi.
Nhiều bạn học của P. cũng ngậm ngùi đăng ký vào ngành tréo ngeo với định hướng nghề nghiệp ban đầu của mình. Thậm chí, như bạn T.N.T. cũng đăng ký vào Công nghệ bảo quản và chế biến thực phẩm nhưng không được chấp nhận, T. quyết định nghỉ học để tìm trường có ngành học phù hợp với sở thích của mình.
Mặc dù chọn đúng vào 5 ngành ưu tiên nhưng học sinh N.B.T., học lớp 11TC9C cũng không khỏi lo lắng chưa chắc đã yên ổn vì trong phiếu đăng ký cũng ghi thêm rằng “Trường hợp ngành có số học sinh đăng ký quá ít (dưới 40 học sinh) không đủ tổ chức lớp học thì ngành đó sẽ không mở lớp”. Nhiều bạn phải thay đổi ngành học so với ban đầu có ý kiến lên khoa thì nhận được giải thích là do Bộ GD-ĐT không cho các trường ĐH đào tạo trình độ trung cấp nữa nên phải rút gọn lại(?). Trong lớp em, nhiều bạn cho biết có cảm giác giống như “ăn phải quả lừa”, nếu không mở lớp thì cũng phải thông báo ngay từ đầu để khỏi mắc công tốn gần 1 năm học ở đây.
Dù HS bức xúc như vậy, nhưng khi trao đổi với Dân trí, đại diện trường lại cho rằng không không có chuyện bắt ép HS. PGS.TS Bùi Xuân Lâm - phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Trường hoàn toàn không có chủ trương bắt buộc HS chuyển đổi ngành học và học sinh hoàn toàn tự nguyện muốn đăng ký ngành nào thì cứ đăng ký. Có lẽ do người phụ trách ở khoa khi định hướng HS vào những khối ngành đang dễ kiếm việc ví dụ như Tài chính ngân hàng, Kế toán, quản trị nhà hàng khách sạn... khiến các em hiểu lầm.
Ông Lâm cũng giải thích thêm rằng: Khóa này là khóa dứt điểm đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trường nhận các em vào học từ năm 2011 là đối tượng chưa có bằng tốt nghiệp THPT và thực tế hiện nay các em đang học văn hóa. Trường khẳng định không có chuyện dồn HS ở những ngành ít người học sang ngành đông người học. Bây giờ đã nhận HS vào rồi thì các em có thể đăng ký vào những ngành theo đúng nguyện vọng của các em. Dù ít HS thì trường vẫn mở lớp. Theo ông Lâm thì các năm vừa rồi trường vẫn duy trì những chuyên ngành chỉ có 10, 15 HS/lớp, ví dụ như ngành May thiết kế thời trang chỉ chỉ 5, 7 HS vẫn duy trì lớp.
Ông Bùi Xuân Lâm cũng cho biết sẽ làm việc lại với khoa và trực tiếp gặp HS để nghe ý kiến của các em. Dù cho rằng chủ trương của trường không ép HS đăng ký trái ngành mong muốn nhưng đại diện trường vẫn khẳng định: trường hợp HS vẫn muốn đăng ký những ngành mình yêu thích thì trường sẽ cho đăng ký lại.
Thụy An