Bị cho nghỉ việc đột ngột, cô giáo mới sinh con phải ra chợ kiếm sống

(Dân trí) - Đó là hoàn cảnh đáng thương của cô Tôn Nữ Diễm Châu (35 tuổi, giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) khi vừa bị nhà trường không ký tiếp hợp đồng, cho nghỉ việc đột ngột.

Cô giáo nuốt nước mắt ôm con về quê, ra chợ mưu sinh

Ngày 25/11, chúng tôi có mặt tại nhà của bác Tôn Thất Quý (cha chị Châu, ở số 360/1 đường Phan Chu Trinh, TP Huế). Cháu bé gái mới 4 tháng tuổi con chị Châu không có mẹ cứ khóc suốt. Bà ngoại của cháu thì làm hương ngoài hiên nhà thỉnh thoảng chạy vào trông cháu. Đến hơn 16 giờ chiều, bác Quý sau buổi kéo xe ba gác thuê về nhà tiếp chúng tôi. Sau một lúc chờ đợi, chị Châu về nhà sau phiên chợ.

Cả nhà ngồi tâm sự với phóng viên về hoàn cảnh chị Châu. Xuất thân từ gia đình nghèo, trong thời gian chị đi học, nhà phải bán heo lấy tiền nộp học phí cho con. Vào đại học, chị Châu học chuyên ngành Triết học tại ĐH Khoa học Huế vì ngành không lấy học phí. Cộng với hoàn thành chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chị đi lên vùng Tây Nguyên tìm công việc nhà giáo mà mình yêu thích.

Năm 2005 trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) được thành lập. Năm 2006, chị xin được vào dạy hợp đồng tại trường môn Giáo dục Công dân. “Lúc đó lương thấp, mỗi tuần dạy khoảng 10 tiết, mỗi tiết được khoảng 17 ngàn đồng. Vì niềm đam mê và được sự chỉ bảo, thương giáo viên của thầy Phan Ngọc Đài hiệu trưởng cũ, em đã ngày càng vượt qua khó khăn.

Đến năm 2015, lương em được hơn 4 triệu đồng. Cùng lúc em lập gia đình, chồng em làm thuê nghề đá hoa cương. Nhà chồng ở Hà Tĩnh đi kinh tế mới lên đây, hai vợ chồng em thuê một nhà trọ gần trường để em tiện công việc và chuẩn bị sinh con” – chị Châu kể.

Chị Châu với con nhỏ và bố tiếp chuyện PV
Chị Châu với con nhỏ và bố tiếp chuyện PV

 

Sau khi hoàn thành công tác chủ nhiệm lớp 12 năm nay, tháng 5 chị làm đơn xin nghỉ sinh và nhận chế độ thai sản. Khi con được 4 tháng tuổi, vào tháng 9 chị bắt xe từ Huế lên Đắk Lắk để xin thầy Hoàng Lê Huần, hiệu trưởng mới được dạy sớm trở lại để có tiền mua sữa cho con vì vợ chồng chật vật quá. Lúc này, chị bỗng như khuỵu xuống khi được thầy Huần cho biết không hợp đồng với chị nữa vì không có tiết để dạy.

“Em xin thầy, năn nỉ được dạy nhiều lắm nhưng không được, em buồn và tuyệt vọng quá bèn về lại Huế lo cho con. Một triết gia đã từng nói 3 thứ kinh khủng nhất của đời người là đi tù, ly hôn và bị mất việc. Gần 2 tháng qua, người em như gục ngã, chồng không có bên cạnh, con quá nhỏ, việc mất. Em mấy hôm nay phải xin ra ngoài chợ Fa Film Hai Bà Trưng một chỗ nhỏ để bán, mong kiếm được ít tiền mua sữa cho con gái” – nói xong chị Diệu bật khóc nức nở.

Rất nhiều giấy khen của cô giáo Diễm Châu trong công tác dạy học 10 năm qua
Rất nhiều giấy khen của cô giáo Diễm Châu trong công tác dạy học 10 năm qua

 

Bác Quý nhìn chúng tôi buồn bã, cho biết nhìn con gái không nói gì, hàng ngày bươn chải ngoài chợ mà cầm lòng không nổi: “Nhiều lúc tôi lén nhìn con gái tôi thấy nó khóc, nó không muốn ai biết và không muốn ai bận lòng vì nó. Nỗi lòng người cha khi thấy con sống trong sự câm lặng tuyệt vọng và mất niềm tin, tôi chỉ muốn viết thư bày tỏ lên báo Dân trí để độc giả đọc, thấu hiểu cho con tôi và cho con tôi một lời khuyên. Chứ tôi bất lực không có cách nào giúp con gái tôi vượt qua nỗi buồn này”.

Chị Châu cho biết mình không vi phạm bất cứ gì trong quá trình dạy học. Chị đã được Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk tặng nhiều giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007-2012; giấy chứng nhận và bằng khen đạt giải Ba cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp; hai lần Sở tổ chức cuộc thi học sinh giỏi môn Giáo dục Công dân, chị Châu ôn luyện cho học sinh đều được giải nhất cấp tỉnh… và nhiều giấy khen của trường.

Sáng 26/11, chúng tôi ra chợ nơi chị Châu buôn bán. Hỏi mấy hàng thịt xung quanh, ai cũng thương cảm cho cô giáo mới sinh con đã phải chịu nỗi đau mất việc, xa chồng. Với mấy xâu nem, ít chả, trứng bên gian hàng nhỏ, mỗi ngày chị lời được vài chục ngàn, đủ để trang trải tiền ăn để không làm khổ ba mẹ vốn đã khó khăn mấy chục năm qua. Chị nhắn với tôi, làm buôn bán hàng nhỏ lẻ cực lắm, không quen nhưng phải gắng vì con. Ước gì được mấy thầy cô thương cho đi dạy lại để về Đăk Lăk đoàn tụ với trường lớp và chồng.

Cô Châu phải tranh thủ thời gian chờ đợi này ra chợ bán sống mưu sinh để có tiền mua sữa thêm cho con nhỏ
Cô Châu phải tranh thủ thời gian chờ đợi này ra chợ bán sống mưu sinh để có tiền mua sữa thêm cho con nhỏ
Nhiều người mới biết hoàn cảnh cô giáo Châu rất đồng cảm và thương xót
Nhiều người mới biết hoàn cảnh cô giáo Châu rất đồng cảm và thương xót

 

Cũng trong ngày 26 này là ngày sinh nhật của cô giáo Châu. Dù đang xa học trò nhưng trên facebook của cô giáo là vô vàn lời chúc của học sinh, và xen lẫn những đồng cảm với nỗi buồn, động viên cô. Nhiều học sinh một thời là thành phần cá biệt khi được học lớp cô Châu dạy đã nói về những kỷ niệm khi được cô khuyên bảo nên người.

“Cô dạy giỏi, dạy hay, lại tốt và luôn quan tâm đến học sinh. Em từng được cô chỉ bảo. Em rất quý cô. Lời nói của cô làm học sinh thay đổi cả suy nghĩ lẫn thái độ. Từ một đứa chưa chính chắn trở thành một đứa biết suy nghĩ. Em mong cô phải làm gì đó để quay lại trường dạy. Chứ không muốn cô bươn chải nuôi con mọn cực khổ vậy đâu” - một học sinh viết trên Facebook của cô Châu.

Hết hạn hợp đồng, cô giáo buộc phải nghỉ dạy

Sáng ngày 27/11, trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Lê Huần - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), cho biết: Việc cô Tôn Nữ Diễm Châu phải nghỉ dạy ở trường là do hợp đồng lao động giữa cô và nhà trường đã hết hạn, phía nhà trường hiện cũng không có nhu cầu về giáo viên giảng dạy theo chuyên ngành mà cô Châu được đào tạo, đồng thời trường không có vị trí việc làm khác để bố trí.

Ông Huần cũng cho biết vào tháng 9/2015 vừa qua, theo quyết định của Sở GD-ĐT, ông được luân chuyển từ trường khác để về làm Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng. Tại đây, hợp đồng lao động được ký kết giữa cô Tôn Nữ Diễm Châu với ông Phan Ngọc Đài (Hiệu trưởng cũ của Trường THPT Lý Tự Trọng) từ ngày 15/1/2007 và hợp đồng gần nhất được ký từ ngày 03/9/2013 – 31/5/2015 đã hết thời hạn.

Bị cho nghỉ việc đột ngột, cô giáo mới sinh con phải ra chợ kiếm sống - 5
Hợp đồng lao động đã hết hạn giữa cô với nhà trường mà thầy Huần cung cấp
Hợp đồng lao động đã hết hạn giữa cô với nhà trường mà thầy Huần cung cấp

 

“Trước đây nhà trường có 27 lớp thì có dư ra các lớp để nhận giáo viên hợp đồng, trong đó cô Châu có đảm nhận một số tiết và kiêm thêm việc chủ nhiệm cũng như quản lý phòng máy. Nay nhà trường còn 20 lớp, nhu cầu giáo viên môn Giáo dục công dân cũng không có nữa nên trường không thể ký hợp đồng với cô Châu, tôi cũng đã làm báo cáo với lãnh đạo Sở GD-ĐT Đắk Lắk để có hướng chỉ đạo”, ông Huần cho hay.

Ông Huần cũng nhận định, cô giáo Châu là một người rất tâm huyết và yêu nghề nhưng việc cô chỉ là giáo viên hợp đồng suốt gần 10 năm qua là rất thiệt thòi, “việc chỉ là giáo viên hợp đồng khiến cô Châu không được đảm bảo quyền lợi về lâu về dài, trong thời gian nghỉ hè cô cũng không được nhận lương nên rất bấp bênh và không ổn định. Tôi đã rất trăn trở rất nhiều sau khi được cô Châu chia sẻ hoàn cảnh, nhưng nhà trường không thể tự ý ký hợp đồng khi nhu cầu không có”, ông Huần băn khoăn.

Trường THPT Lý Tự Trọng nơi cô giáo Diễm Châu theo dạy suốt 10 năm qua từ lúc trường mới thành lập
Trường THPT Lý Tự Trọng nơi cô giáo Diễm Châu theo dạy suốt 10 năm qua từ lúc trường mới thành lập

 

Ông Trương Thức, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Sở đã nhận được phản ánh của người thân của cô giáo Châu cũng như báo cáo của Trường THPT Lý Tự Trọng. Trường hợp cô Châu do hiệu trưởng trước đây ký hợp đồng ngắn hạn trả tiền theo giờ nên sau khi trường không có nhu cầu thì họ thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, cô đã hợp đồng 10 năm nên xét về lý là vậy nhưng xét về tình thì cô đã có gắn bó tình nghĩa với trường. Nếu trường vẫn có nhu cầu và căn cứ trên trình độ chuyên môn đào tạo thì có thể tạo điều kiện cho cô. Phía Sở đang xem xét và chờ ý kiến của giám đốc Sở về việc này”.

Người cô giáo trẻ với bao tâm huyết đang chờ có 1 điều kỳ diệu sẽ đến với mình khi được cho đi dạy lại
Người cô giáo trẻ với bao tâm huyết đang chờ có 1 điều kỳ diệu sẽ đến với mình khi được cho đi dạy lại

 

Đại Dương - Thúy Diễm

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm