Bị cảnh sát thổi phạt, phụ huynh học sinh lại… “làm trò”
(Dân trí) - Bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” vì không đội mũ bảo hiểm cho con, người phụ nữ xuống xe năn nỉ rồi bật khóc. Tưởng chú cảnh sát làm gì mẹ, đứa con cũng khóc theo, cảnh sát chỉ biết lắc đầu.
Đó là tình huống mà anh Trần Lê Phong (công an Q.12, TPHCM) và nhiều cảnh sát giao thông (CSGT) khác thường xuyên gặp phải khi xử lý vi phạm trẻ ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Quy định có - khó xử phạt
Anh Phong kể, gặp các ông bố đỡ nhì nhèo hơn nhưng phần lớn các chị mới là người đưa đón con đến trường. Các bà mẹ dùng đủ chiêu để năn nỉ CSGT, nếu hai bên lời qua tiếng lại nói về sự việc cũng dở vì đứa trẻ có thể có ấn tượng không hay, không đúng về CSGT và lẫn cả người mẹ.
“Nếu xử phạt nhanh cũng mất 10 - 15 phút nhưng trẻ đang vội đến trường, mình làm sao giữ lại?. Việc xử lý vi phạm trẻ em không đội MBH khi ngồi xe máy rất khó nên phần lớn, đành nhắc nhở rồi cho đi. Khi tan giờ học may ra còn áp dụng biện pháp xử phạt được nhưng phụ huynh cũng có nhiều lý do lắm”, CSGT này cho hay.
Hội nghị tổng kết “Dự án tăng cường thực hiện quy định đội MBH cho trẻ em” 2011 - 2013 tại TPHCM diễn ra vào ngày 16/1 nêu ra con số: Trong 3 giai đoạn thực hiện việc kết hợp giữa tuần tra, kiểm soát và xử phạt của dự án với tổng thời gian gần nửa năm thực hiện ở một số quận huyện (quận 1, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn…) chỉ có trên 4.000 trường hợp phụ huynh không đội MBH cho trẻ bị xử phạt.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên tránh Ban ATGT TPHCM cho hay, tỷ lệ trẻ em không đội MBH rất cao (trước đây chỉ khoảng 22% và sau dự án khoảng 60% trẻ trên 6 tuổi đội MBH) nhưng số trường hợp bị xử phạt lại rất thấp.
Nguyên nhân hàng đầu là luật cho phép xử phạt nhưng phạt không dễ, phụ huynh có đủ lý do để được “bỏ qua”. Khi bị công an bắt lỗi, phụ huynh cùng dùng trẻ để xin xỏ, chỉ cho con cách nói dối đủ kiểu để được tha.
“Phạt không nổi, nhạy cảm quá. Phụ huynh thì có tâm lý đối phó, CSGT không dám làm căng thì sợ các cháu bị ảnh hưởng, muộn giờ học. Ngành giáo dục đề nghị chúng tôi phạt nặng nhưng thật ra công an chỉ có thể xử lý bằng tình, nhắc nhở là chính với lỗi này”, đại diện Ban ATGT Q. Bình Tân bày tỏ.
Một CSGT ở Q.1 cho rằng, trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về việc trẻ em đội MBH chứ không nên chờ vào việc xử phạt.
“Theo tôi, MBH phải được xem như một dụng cụ học tập của trẻ, nhà trường nên bố trí chỗ để. Còn để phụ huynh giữ thì có lúc họ tiện đường đón hoặc nhờ người khác đón con thì lại không mang theo mũ”, người này đề xuất.
Giáo dục chờ phạt nghiêm
Nhiều trường học TPHCM đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ATGT, trong đó tập trung nhiều vào nội dung trẻ em cũng phải đội MBH. Cái khó là việc trẻ em đội MBH hay không lại là do bố mẹ, chứ không phải ở bản thân các em, nhất là ở bậc tiểu học. Bên cạnh học sinh, đối tượng giáo dục còn là phụ huynh.
Trong khi, nhiều phụ huynh chủ quan hoặc quá tự tin vào tay lái của mình, tin rằng mình hoàn toàn bảo vệ được con nếu xảy ra sự cố mà “bỏ qua” việc chấp hành luật lệ, cùng trẻ đối phó quy định.
Trái ngược là khi CSGT kêu khó xử phạt thì nhiều lãnh đạo ngành giáo dục lại đề nghị phạt thật nặng phụ huynh không đội mũ cho con. Đại diện Q.9 còn đề xuất áp dụng mức phạt cao nhất của vi phạm không đội MBH cho con (200.000 đồng) thì mới hỗ trợ được việc giáo dục, tuyên truyền.
Ông Trần Khắc Huy (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, việc giáo dục trong nhà trường rất cần thiết. Nhiều trường tổ chức tuyên truyền đội MBH cho trẻ đến phụ huynh thông qua các buổi họp đầu năm, ký cam kết đội mũ cho con, đưa nội dung này vào lễ khai giảng, thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm… Sở cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp, trường nào chậm được khắc phục, nhiều học sinh không đội MBH sẽ bị nhắc nhở và đưa vào xét thi đua.
Tuy nhiên, ông Huy cũng tha thiết cho rằng việc để tuyên truyền đạt hiệu quả thì cần phải kết hợp chặt với việc xử phạt nghiêm từ CSGT, còn chỉ chờ vào giáo dục thì không ổn vì trường học không thể xử phạt phụ huynh.
Câu chuyện chiếc MBH của trẻ em được bàn từ lâu, đến giờ ngành công an và ngành giáo dục vẫn không hết vướng, giữa giáo dục và xử phạt đều “kẹt”. Trong việc này, đối tượng quan trọng nhất là cha mẹ học sinh lại là người lơ là, chủ quan đối với tính mạng của con mình. Không ít phụ huynh đang đòi hỏi đủ thứ ở nhà trường nhưng có những việc trong khả năng có thể làm cho con thì họ lại đứng ngoài cuộc.
Bên cạnh sự an toàn, điều đáng ngại là các em dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lối sống không chấp hành pháp luật, cố tình vi phạm từ chính bố mẹ mình. Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng như hình thành nhận thức, suy nghĩ cho đứa trẻ sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Hoài Nam