Bé gái lớp 4 về ngoại ăn Tết, đánh bài ăn tiền mất... tiền triệu
(Dân trí) - "Đây, chia bài thế này nè! Mỗi đứa đặt trước 10.000, ai theo đặt thêm tiền, không theo thì mất", bé gái 10 tuổi, con chị Lê Ngọc Huyền hồn nhiên hướng dẫn nhóm bạn đánh bài 3 lá ăn tiền.
Theo hướng dẫn của cháu, nhiều tờ tiền 10.000-20.000 đồng được các bé nhỏ từ 6 đến 11 tuổi lôi ra đặt cược.
Khi vợ chồng chị Huyền phát hiện các con đánh bài ăn tiền đã lập tức ngăn lại, giải tán mấy đứa trẻ và "đe" con gái một trận.
Thế nhưng, người mẹ cho hay, vừa quay trở lại trường học, cô giáo phản ánh con gái chị cùng các bạn trong lớp rủ nhau đánh bài ăn tiền. Các cháu không chơi tiền mặt mà ghi... sổ nợ.
Chị Huyền cho hay, năm nay một mình con gái chị theo ông bà ngoại về quê ăn Tết. Chị vừa sinh bé nhỏ, không tiện đi lại nên chỉ đón Tết nhà nội.
Chỉ hai tuần về ngoại ăn Tết, khi trở lại thành phố con chị từ đứa chưa từng cầm bộ bài đã biết đánh bài. Từ bài 3 cây, tiến lên đến cả bập bõm chơi tá lả.
Hóa ra, những ngày ở quê, cháu thường xuyên theo chân người cậu học lớp 8 "ngồi vào sới" đánh bài ăn tiền. Được cậu hướng dẫn, nhờ cầm bài, chẳng mấy chốc cháu đã biết chơi rồi cùng tham gia đánh bài ăn tiền với những đứa nhỏ trong xóm và đã thua sạch tiền mừng tuổi gần 2 triệu đồng.
"Ngày trước, ở quê tôi Tết nhất mọi người hay tụ tập đánh bài, nhiều trẻ nhỏ cũng tụm năm tụm bảy đánh bài. Nhưng tôi không ngờ được, con mình về quê chỉ mấy ngày cũng đã kịp đã "rước" ngay tệ nạn này", người mẹ thở dài.
Cùng hoàn cảnh, chị Q.M. ở quận 11 kể, về Tết vài hôm, cậu con trai lớp 3 của chị đã sành sỏi lắc bầu cua tôm cá ăn tiền. Số tiền cháu chơi mất cả triệu đồng nhưng chủ yếu anh em trong nhà chơi vui với nhau nên chị cũng không quá căng thẳng.
Trải qua mùa Tết, anh Nguyễn Đức Quyến, ở Phú Nhuận, TPHCM lại chứng kiến... cảnh con trai lớp 3 uống nước lọc hay nước ngọt cũng cầm cốc hô "một - ha - ba - dzô". Có khi trong mâm cơm, mọi người chưa lên tiếng, con đã cầm ly xung phong đầu tiên.
Mới đây, vợ chồng anh tổ chức lễ tân niên cho con với các bạn cùng lớp, những đứa trẻ cầm ly nước ngọt cùng cụng chúc nhau bằng chính những tiếng hô quen thuộc bên bàn nhậu của người lớn.
Ông bố thừa nhận, Tết nhất tụ tập ăn uống nhiều, đến nơi đâu con anh cũng dễ dàng chứng kiến cảnh ông bà, bố mẹ, người thân cầm ly... "dzô".
"Khi đó, tôi không hề nghĩ đến việc con bị ảnh hưởng với "văn hóa" bàn nhậu nhanh như vậy", anh Quyến nói và nhắc mình phải chú ý hơn trong sinh hoạt, lời ăn tiếng nói trước mặt con nhỏ, hạn chế đưa con đến những buổi tiệc chén chú chén anh.
Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên tiểu học ở TP Thủ Đức chia sẻ, hàng năm, cô thường giao học trò thực hiện dự án vẽ về những hoạt động trong Tết. Điều rất đáng suy ngẫm là một số em vẽ lại hoạt động Tết là cảnh... mọi người ngồi đánh bài, nhậu nhẹt, cụng bia chúc rượu. Nhiều nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết trẻ không hề nhìn thấy, không hề cảm nhận được.
Trẻ khủng hoảng sau Tết vì bị miệt thị ngoại hình
Chị Vũ Ngọc Thanh, ngụ ở quận 1, TPHCM lại có trải nghiệm không hay ho về mặt tinh thần khi đưa con về quê đón Tết.
Chỉ vài ngày về Tết, con gái chị phải đối mặt với rất nhiều lời phán xét, chê bai từ bà con, họ hàng đến mức khi trở lại thành phố, cháu rơi vào bất ổn, khủng hoảng.
Người mẹ chát đắng kể, không ít người, kể cả ông bà nội cũng hồn nhiên... bình phẩm, chê bai cháu vừa xấu vừa đen, vẩu, môi trề giống ông nào chứ không giống bố. Lời đùa cợt lặp đi lặp lại làm cháu khó chịu, đau khổ vô cùng.
Chưa hết, chị đang mang bầu bé thứ 2, cháu bé liên tục nghe mọi người nói ra nói vào : "Mẹ có em trai, Ly sắp ra rìa rồi kìa" hay "Em bé trong bụng mới là con bố mẹ, Ly là con rơi nhặt được". Tư tưởng trọng nam khinh nữ tràn ngập trong những câu nói, nhận xét từ họ hàng làm đứa trẻ rơi vào ức chế.
Ngày Tết gặp gỡ họ hàng, bà con cũng là lúc con chị Thanh trở thành nạn nhân của việc miệt thị ngoại hình và bất bình đẳng giới.
Đang làm mọi cách để ổn định lại tâm lý cho con, chị Thanh chát đắng: "Tết nhất, chúng ta hội tụ quá nhiều thói hư tật xấu từ sinh hoạt, ăn nhậu cho đến lời ăn tiếng nói với đủ định kiến và chỉ trích. Và con trẻ phải chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những thói hư này từ người lớn".
Người mẹ cũng rút ra bài học cho mình từ nay sẽ cẩn trọng, để ý và theo sát con nhiều hơn khi về quê hay gặp gỡ người thân để tránh những tác động mà theo chị là "không biết đâu mà ngờ".