Thanh Hóa:

“Bệ đỡ” cho học sinh vùng cao đến trường

(Dân trí) - Không chỉ khó khăn về điều kiện kinh tế gia đình khó khăn mà việc đi lại của học sinh miền núi cũng vô cùng vất vả. Để đến được trường học, nhiều em phải đi băng rừng, lội suối hàng chục km. Những năm gần đây, với mô hình bán trú và sự chăm sóc tận tình của các thầy cô giáo, trường lớp như là gia đình của học sinh...

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm trước, không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp học, mà điều kiện địa hình cũng là trở ngại trên con đường đến trường của nhiều học sinh (HS).

Điều kiện đi lại của học sinh miền núi vô cùng vất vả.
Điều kiện đi lại của học sinh miền núi vô cùng vất vả.

Để tới được trường, nhiều nơi, HS phải đi bộ hàng chục km và trở về nhà trong ngày. Thậm chí, quãng đường đến trường của các em phải băng rừng, lội sông, suối rất nguy hiểm.

Trong khi đó, các nhà trường không có khu ở bán trú nên nhiều HS vì nhà quá xa, không thể đi về trong ngày phải ở trọ trong các nhà dân hoặc dựng lều, lán tạm bợ gần trường để theo học.

Chỗ ở chật chội, công trình phụ trợ không có, khiến sinh hoạt của các em gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, không có người chăm sóc, các em phải tự nấu ăn, bữa đói, bữa no, có khi chỉ ăn cơm trắng với muối hay rau rừng.

Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên giờ đây, các em HS ở khu vực miền núi đã có nhà ở bán trú.
Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên giờ đây, các em HS ở khu vực miền núi đã có nhà ở bán trú.

Hình ảnh HS ở vùng sâu, vùng xa phải cơm đùm, cơm nắm lặn lội đi học từ mờ sáng, nghỉ trưa ngay tại lớp chờ học buổi chiều đã dần lùi xa. Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên giờ đây, các em HS ở khu vực miền núi đã có nhà ở bán trú và những bữa cơm có thịt, có cá, đảm bảo chất dinh dưỡng.

Tại Thanh Hóa, ngày 16/10/2015, UBND tỉnh này đã có quyết định phê duyệt đề án “Mở rộng, nâng cấp khu nhà ở nội trú cho HS trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Theo đó, 7 huyện miền núi cao, gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân và Lang Chánh, đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở, bếp ăn cũng như các công trình phụ trợ cho HS bán trú. Không chỉ được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, HS bán trú còn được hỗ trợ tiền, gạo hàng tháng.

Đây là điều kiện thuận lợi giúp HS vùng cao giảm bớt khó khăn, có thêm động lực tới trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực vùng núi.

Là một trong những đơn vị nằm trong dự án hỗ trợ, khu bán trú của trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Xuân Chinh, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, vừa được xây dựng theo mô hình lắp ghép 12 phòng ở và khu bếp, phòng ăn, nhà vệ sinh khang trang, sạch sẽ…

Thầy Trịnh Ngọc Bắc, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Xuân Chinh, cho biết: Nhà trường có 143 HS, trong đó có 111 HS phải ở lại bán trú. Có nhiều em nhà ở cách xa trường 10km.

Những bữa cơm của các em có đầy đủ chất dinh dưỡng và luôn có thịt hoặc cá.
Những bữa cơm của các em có đầy đủ chất dinh dưỡng và luôn có thịt hoặc cá.

Nhìn dãy nhà bán trú khang trang, thầy Bắc chia sẻ: Những năm trước, khi chưa có khu nhà bán trú, nhiều em ở xa phải dậy từ lúc 4h-5h sáng để đi bộ đến trường. Những hôm học buổi chiều, các em phải mang theo cơm nắm để ăn trưa rồi nghỉ tạm ở lớp học, sân trường.

Từ khi có khu bán trú, để các em được quan tâm, chăm sóc, nhà trường phân công giáo viên trực 24/24. Đồng thời, hiện nay, nhà trường có 4 nhân viên nấu ăn và phục vụ bếp ăn bán trú. Mỗi ngày, HS được ăn 3 bữa (sáng, trưa, chiều).

Những bữa ăn của các em HS đã được lên thực đơn cụ thể với các món ăn đầy đủ rau xanh, đặc biệt là luôn có cá hoặc thịt...


Bữa ăn của học sinh bán trú.

Bữa ăn của học sinh bán trú.

“Mỗi ngày, các em thức dậy từ 5h sáng, tập thể dục, sau đó vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi lên lớp. Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, từ 19h - 21h30, tất cả các em đều lên lớp học bài dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Nhờ vậy, HS bán trú luôn có nề nếp sinh hoạt, học tập tốt hơn”, thầy Bắc cho biết.

Khi đứng trên bục giảng là người thầy, còn trở về khu bán trú, các thầy cô giáo lại chăm sóc HS như con của mình. Không chỉ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, các thầy cô còn luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của HS.

Thầy cô luôn quan tâm, chăm sóc các em học sinh như con mình.
Thầy cô luôn quan tâm, chăm sóc các em học sinh như con mình.

Nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao cũng thường xuyên được tổ chức để các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, trí tuệ.

Cũng nhờ đó, những năm gần đây, tình trạng HS bỏ học giữa chừng đã giảm đi rất nhiều, chất lượng giáo dục tại các nhà trường ngày càng nâng lên.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 24 trường PTDTBT THCS với hàng nghìn HS đang ở bán trú.

Duy Tuyên