Bê bối điểm thi ở Hà Giang, Sơn La: Sơ hở do tập huấn cán bộ chưa tốt
(Dân trí) - Từ những bê bối, sai phạm điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vai trò cán bộ chưa được coi trọng; do chưa tập huấn đầy đủ cho cán bộ tham gia các khâu trong quá trình coi thi, chấm thi.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội: Lãnh đạo chung chung nên để nhiều sơ sở!
Với kinh nghiệm của cá nhân tôi ở ĐHQGHN thấy rằng, những sự cố từ Hà Giang, Sơn La vừa qua liên quan đến thi cử chủ yếu do không thực hiện tốt việc tập huấn cán bộ một cách cụ thể, chu đáo; hoặc từ ý thức trách nhiệm của các cán bộ chưa đầy đủ.
Theo tôi, lãnh đạo như Ban chỉ đạo, Trưởng các ban như ban chấm thi của các hội đồng thi giữ vai trò rất quan trọng, phải là những cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm trong công tác, kinh nghiệm trong chấm thi trắc nghiệm.
Vì thi trắc nghiệm việc chấm là mới mẻ với các địa phương, lãnh đạo phải hiểu rõ từng khâu, chỗ nào có thể xảy ra sơ hở phải tăng cường giám sát và chỉ đạo. Chứ chỉ lãnh đạo chung chung mà không hiểu rõ việc thì cấp dưới dễ tự cung tự tác. Mà nhiều khi các hội đồng thi chỉ chọn theo cơ cấu, cứ lãnh đạo là đưa vào.
Theo tôi, để 1 kỳ thi tổ chức an toàn và hiệu quả, đồng thời kết hợp 2 trong 1 để tuyển sinh đại học, thì phải làm tốt tất cả các khâu từ ra đề, tổ chức thi, chấm thi, cho đến xét tuyển. Đề phải theo hướng phân hóa, lựa chọn được học sinh để vào học đại học.
Để làm tốt tất cả các khâu đó thì phải làm tốt 4 việc sau:
Thứ nhất, Ban hành các văn bản pháp quy, các quy chế hướng dẫn, các văn bản quản lý một cách đầy đủ, cụ thể, không để có các kẽ hở, sơ sót.
Thứ hai, Tập huấn phổ biến đầy đủ các quy chế, hướng dẫn đó đến từng cán bộ, giảng viên.
Thứ ba, Từng cán bộ giảng viên ý thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của kỳ thi; thượng tôn pháp luật, tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế;
Thứ tư, Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các bộ phận, cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo, các hội đồng thi, giám sát của chính các thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT: Không thể nói tin cậy suông được!
Từ vụ Hà Giang, hay nhìn rộng ra cả kỳ thi “2 trong 1”, thì điểm mấu chốt vẫn là khâu cán bộ - chúng ta chưa để ý tới.
Có những khâu chúng ta để cho cán bộ công nghệ thông tin ngồi xử lý một mình, toàn quyền, máy móc của họ, họ danh nghĩa công việc chuyên môn có thể yêu cầu những người khác ra ngoài hoặc đứng nhìn. Cơ hội tiêu cực rất lớn cũng có thể nảy sinh ở đây.
Tuy mình cứ nói là tin cậy, nhưng tin cậy phải có giám sát, kiểm soát, không thể nói tin cậy suông được.
Giải pháp hiện nay để nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia, theo tôi, chúng ta vẫn phải giữ kỳ thi này tại địa phương, và cố gắng hoàn thiện cho kỳ thi này tốt hơn.
Chúng ta phải tăng cường cán bộ đại học về giám sát tại địa phương ở tất cả các khâu. Bài thi trắc nghiệm tôi đề xuất nên có phách, rọc phách và nên chuyển về theo cụm, do trường đại học chủ trì chấm, thì khả năng tiêu cực sẽ giảm rất nhiều.
Nhìn lại vụ Hà Giang, ngoài động cơ vụ lợi cá nhân, thì cũng phải công bằng nhận xét rằng, ở địa phương, cán bộ địa phương chịu áp lực rất lớn, nào là quan hệ cá nhân, cấp trên cấp dưới, nên cơ hội tiêu cực như Hà Giang sẽ sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào. Do đó, chúng ta nên chuyển chấm thi cho trường đại học.
Như thế chúng ta đang hoàn thiện kỳ thi, nâng cao độ tin cậy của kỳ thi và xã hội sẽ được nhờ. Nếu kỳ thi giảm độ tin cậy, các trường đại học sẽ tổ chức thi riêng, khi đó cả xã hội lại khăn gói quả mướp lên đường, rất tốn kém.
Mọi người phải ý thức cùng nhau làm kỳ thi tốt lên, tin cậy lên, mới giải quyết được “ẩn ý” đằng sau là kỳ thi mượn cớ “tốt nghiệp” để lấy kết quả xét tuyển đại học.
Tôi biết nhiều người đề xuất tốt nghiệp thì cho xét, nhưng trong Luật Giáo dục vẫn quy định phải có một kỳ thi quốc gia. Còn để 63 tỉnh tự tổ chức thi cũng không ổn, 63 tỉnh đều làm đề thì căng thẳng lắm, kết quả lại không đồng đều, so bì nhau, phức tạp hơn.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, từ những sai phạm tại Hội đồng thi Sở GDĐT Sơn La, Hà Giang cho thấy, mặc dù quy trình tổ chức thi chặt chẽ nhưng việc triển khai thực hiện tại các địa phương với những con người cụ thể là rất quan trọng, có tính chất quyết định đến tính nghiêm túc, độ tin cậy của Kỳ thi.
Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GDĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Bộ GDĐT và các địa phương sẽ tiếp tục rà soát một cách nghiêm túc, trung thực để kịp thời xử lý các sai phạm (nếu có) và rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kỳ thi tiếp theo.
Nhật Hồng (ghi)