Choáng với cách nâng điểm liều lĩnh ở Hà Giang, Sơn La

(Dân trí) - Có nhiều dấu hiệu cho thấy, việc nâng điểm ở Sơn La là có tổ chức, làm rất liều lĩnh và trắng trợn.


Hàng loạt sai phạm trong Quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GDĐT Sơn La được công bố

Hàng loạt sai phạm trong Quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GDĐT Sơn La được công bố

Trong buổi họp báo cuối giờ sáng 23.7, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD ĐT Mai Văn Trinh cho biết, Tôi rất buồn. Sự việc ở Sơn La là bất thường, xấu xí”. Đó là lời nhận xét rất thẳng. Và những thông báo về cách sai phạm, sai phạm có tổ chức và mức độ liều lĩnh thì dư luận còn cảm nhận rõ hơn tận cùng của sự “bất thường, xấu xí”.

Thứ nhất, có tới 5 thành viên chủ chốt nhất của Tổ chấm thi trắc nghiệm đã mắc sai phạm, đứng đầu là ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm. Câu hỏi cần đặt ra là, liệu có ai chỉ đạo Tổ chấm thi này không?

Thứ hai, vì cả một nhóm chấm thi “cộng tác” nên cách cách sửa điểm cũng cực kỳ trắng trợn: nâng điểm trong lúc chấm thi môn ngữ văn (12 bài); thậm chí, điểm thi nhập vào máy khác với điểm ghi trên bài thi (17 bài). Với môn trắc nghiệm, bị tẩy xóa trước khi gửi dữ liệu về Bộ Giáo dục. Đến nay, việc chấm thẩm định lại những bài trắc nghiệm vẫn chưa thể xong vì quá nhiều.

Thứ ba, đúng như ông Trinh khẳng định "tính chất sự việc ở Sơn La khác với Hà Giang. Xác định đúng công việc thì có thể rất nghiêm trọng". Nghiêm trọng bởi, để sửa điểm một cách thủ công như vậy, chắc chắn chỉ một mình tổ chấm thi khó lòng thực hiện. Bởi, để sửa điểm có chọn lọc với số lượng hơn chục bài, thì rõ ràng họ phải tìm được bài cần sửa. Muốn chọn bài như vậy, phụ thuộc ít nhất là khâu trông thi và dọc phách. Nếu không có sự giúp sức của các khâu đó, Tổ chấm thi muốn sửa cũng chẳng biết bài nào mà sửa.

Mặt khác, các thanh tra của sở GD ĐT để đâu mà Tổ chấm thi có thể dễ dàng sửa bài một cách thủ công như vậy.

Thứ tư, những sai phạm đó được ông Trinh thông báo rõ 6 sai phạm Quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GDĐT Sơn La. Trong đó, dư luận không thể hình dung được những sai phạm với những quy định tối thiểu như: Sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa Cs không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép. Hoặc, hầu như những cái cần niêm phong đều không niêm phong như: Phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong, kể cả máy tính dùng chấm thi không được niêm phong. Tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng.

Rõ ràng, có nhiều dấu hiệu cho thấy, việc nâng điểm ở Sơn La được tổ chức một cách rất trắng trợn và liều lĩnh.

Những gì ông Trinh công bố cho thấy, Tổ chấm thẩm định của Bộ GD ĐT làm việc rất nhiệt huyết, nghiêm túc, công phu và trả lời công luận cũng rất rõ ràng, rành mạch.

Tuy nhiên, với những sai phạm nghiêm trọng như vậy, trước đó, chiều 19/7, không hiểu căn cứ vào đâu ông Hoàng Tiến Đức - giám đốc Sở GD ĐT Sơn La, lại có thể khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại cụm Sơn La được thực hiện "rất nghiêm ngặt, không hề có tiêu cực"(?!).

Để kết thúc bài này, tôi xin so sánh với hai tỉnh được chấm thẩm định trước đó.

Nếu ở Hà Giang, cách nâng điểm áp dụng công nghệ thuần thục hơn, nhưng “rất ngố” bởi có quá nhiều người điểm cao, ngược lại ở Sơn La, làm có “trọng tâm, trọng điểm” nên khó mà phát hiện nếu không có “sự cố” ở Hà Giang.

Còn với Lạng Sơn, tôi lại muốn so sánh chuyện khác. Nếu ở Sơn La, những thông báo kết quả rất cụ thể, rõ ràng và trả lời báo chí một cách rành mạch đúng như yêu cầu của Luật Tiếp cận thông tin. Điều này khác hẳn với cách thông báo kết quả chấm thẩm định ở Lạng Sơn: Chỉ thông báo mà không trả lời phỏng vấn. Mà như thông báo, kết quả chấm thẩm định ở Lạng Sơn lại khá ổn. Vậy lẽ gì mà các vị ở đây không trả lời phỏng vấn, liệu có gì bất thường không?

Vương Hà