Bất ổn ở đại học tư thục Việt Nam: Đã định được “bệnh”, nhưng phải tìm ra “thuốc”

(Dân trí) - Hàng loạt những bất ổn, mâu thuẫn nội bộ diễn ra ở các trường ĐH tư ở Việt Nam thời gian gần đây đều có chung một điểm, đó là xuất phát từ sự không rõ ràng của... chính sách. Bệnh thì đã định, vấn đề là phải có phương thuốc phù hợp.

Nguy cơ sụp đổ của các trường ĐH tư thục
 
Vấn đề đại học (ĐH) tư và có yếu tố nước ngoài là một trong 5 vấn đề lớn được đưa ra thảo luận tại Chương trình đối thoại về cải cách giáo dục ĐH do GS Ngô Bảo Châu và nhóm  Đối thoại giáo dục tổ chức mới đây. Chủ đề này đã thu hút nhiều sự quan tâm, chia sẻ của các chuyên gia giáo dục, khi hàng loạt bất ổn đã và đang diễn ra ở các trường mà  điển hình “nóng hổi” là sự việc của ĐH Hoa Sen.   
 
Bất ổn ở đại học tư thục Việt Nam: Đã định được “bệnh”, nhưng phải tìm ra “thuốc”
Các chuyên gia giáo dục tham gia thảo luận tại Chương trình hội thảo đối thoại về cải cách giáo dục đại học do GS Ngô Bảo Châu chủ trì.
 
Khi nói về việc vận hành một trường ĐH tư thục ở Việt Nam hiện nay, TS Đàm Quang Minh - Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ đưa ra một số cảnh báo, rằng: Nếu không có sự thay đổi trong chính sách  thì từ năm 2015 đến 2020 sẽ có không ít trường tư thục sụp đổ.  
 
Một thống kê tỉ lệ nguồn nhân lực có bằng cấp (tạm coi từ bằng cao đẳng trở lên) cho thấy Việt Nam có chỉ 9,7% trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan có 17%, Malaysia thì 24% còn Mỹ có tới 65,4%. Tại sao với số lượng thấp như vậy nhưng chúng ta vẫn có nhiều có tỷ lệ thất nghiệp cao? Câu trả lời không đơn giản chỉ là  “thừa thầy thiếu thợ” mà phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là thiếu về số lượng và cả chất lượng - một vấn đề nguy hiểm đang tồn tại trong giáo dục Việt Nam. 
 
Cũng theo TS Minh: Đã tồn tại sự bất công giữa các trường công và trường tư trong nhiều vấn đề, trong đó trường ngoài công lập (NCL) phải trả nhiều phí về đất đai, cơ sở vật chất và phải đóng thuế... Thế nhưng, điều tệ hại hơn khiến trường NCL chết nhanh hơn là quan niệm về trường tư thục là trường hạng hai. Có nhiều ý kiến của xã hội rằng chúng ta không nên có trường tư thục như hiện tại, một số tỉnh thông báo không tuyển sinh viên NCL vào bộ máy hành chính. Chính những nhìn nhận này dẫn tới việc đưa ra những chính sách đã "gây nhiễu" trong một hai năm vừa qua, khi một vài trường NCL có sự tranh chấp giữa những người vận hành trường và những người chủ sở hữu trường. Những quy định chưa phân rõ quyền sở hữu cũng như thế nào là lợi nhuận và phi lợi nhuận. 
 
TS Quang Minh kể một câu chuyện có thật, rằng: Tôi có quen chủ một trường ĐH ở Việt Nam. “Ông này vốn hoàn toàn không biết về giáo dục và đã mời một số giáo sư đã dạy tại các trường lớn và cung cấp cho trường đó mỗi năm 10 tỷ đồng và giảm dần cho đến khi trường tự hoạt động được. Mong muốn đầu tiên của nhà đầu tư này gần như hoàn toàn phi lợi nhuận. Thế nhưng sau 6-7 năm thì ngôi trường này xảy ra sự gian lận trong việc thi đầu vào. Người chủ đầu tư cực kỳ thất vọng vì tiền mình đầu tư không những không mang lại lợi ích cho xã hội mà còn mang tiếng xấu.  
 
Thế nhưng, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, khi chủ trường quyết định thôi chức của vị hiệu trưởng thì người này lại đưa điều kiện trường phải trả cho mình 1 tỷ đồng, lý lẽ của hiệu trưởng này là: Hội đồng quản trị hoàn toàn không có quyền phế truất hiệu trưởng và theo quy định, hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật. Như vậy lỗi này xảy ra chính là do chính sách luật của ta quy định không rõ ràng giữa người nào là người có quyền thực sự. Hay một minh chứng khác, rõ hơn đó là trường hợp của trường ĐH Hùng Vương cũng lâm tình trạng tương tự. Và không chỉ thế, điều này đang tiếp tục lập lại ở ĐH Hoa Sen.  
 
"Phương thuốc” nào cho sự tồn tại bền vững của ĐH tư? 
 
Theo ý kiến của một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục, giải pháp phải đến từ hai phía. Thứ nhất, là những giải pháp bên ngoài chính từ chính sách và những hệ thống mang tính pháp lý, nhìn nhận về trường NCL. Nếu còn coi trường tư thục là thứ dị biệt, xếp hàng thứ 2 thì nó (trường NCL - PV) rất khó tồn tại. Hãy đừng phân biệt các trường tư, trường công lập, lợi nhuận hay phi lợi nhuận mà nên có chính sách chung cho tất cả. Thứ hai, phải nhìn nhận các vấn đề của các trường tư thục hiện nay không chỉ riêng do chế độ chính sách mà còn là vấn đề nội tại của những tổ chức đó. “Rất nhiều nhà đầu tư ảo tưởng rằng đầu tư vào giáo dục rất dễ dàng. Nhưng quan niệm này là sai lầm - vị chuyên gia này đưa ra ý kiến.   
 
Điều cần nhà nước hỗ trợ chính là đào tạo đội ngũ thực sự là những nhà quản trị giáo dục có thể vận hành các trường này. Những trường vận hành gần giống như một doanh nghiệp nhưng lại mang tính đặc thù của dịch vụ trong giáo dục.   
 
Bất ổn ở đại học tư thục Việt Nam: Đã định được “bệnh”, nhưng phải tìm ra “thuốc”
GS Ngô Bảo Châu cho rằng “những trường ĐH tư có thể là những nhân tố tốt để tạo ra những hình mẫu mới”.
 
Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, khi đề cập đến thực trạng cũng như giải pháp hiệu quả nào cho mô hình đại học tư, GS Ngô Bảo Châu đưa ra nhận định: “Việc cải thiện chất lượng ĐH là vấn đề vô cùng lớn và phức tạp không thể hiện một ý chí chính trị thuần túy. Nó chỉ có thể xảy ra khi tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tự chủ trong cạnh tranh, môi trường khoa học lành mạnh. Những yếu tổ thay đổi đó không thể thực hiện trong vòng một hoặc hai ngày mà phải thay đổi dần dần và hướng tới những điều tốt hơn. Trong bối cảnh đó thì những trường ĐH tư có thể là những nhân tố tốt để tạo ra những hình mẫu mới. Bao giờ cũng vậy khi thay đổi một vấn đề gì thì cũng cần có nhân tố mới và họ làm tốt hơn thì những người khác phải nhìn vào đó”. 
 
Bên cạnh đó, khi đánh giá chung cả hệ thống giáo dục ĐH (trong và ngoài công lập), GS Bảo Châu cũng cho rằng trong những năm gần đây chính sách của nhà nước có nhiều chuyển biến để khuyến khích các trường tự chủ về tài chính, chương trình và nhân sự. Tất nhiên vẫn cần phải thông thoáng hơn nữa nhưng điểm quan trọng chính là bản thân người lãnh đạo trường có đủ khả năng, nhận thức áp dụng những chính sách thoáng đó hay không.  
 
Hà Minh