GS Ngô Bảo Châu: Giáo dục đại học Việt Nam vẫn cần thay đổi
(Dân trí) - Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay vẫn cần thay đổi, nhưng nên thay đổi một cách hết sức dè dặt!
Đó là một trong những quan điểm của GS Ngô Bảo Châu khi trao đổi bên lề với báo giới tại cuộc họp mang tính “phản biện”, nhằm góp thêm một tiếng nói từ góc nhìn từ các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục… cùng hướng đến mục tiêu cải cách, thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
Đi vào nhận định chi tiết hơn, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: Kiến thức, kỹ năng mềm và cả sự chủ động trong việc công của sinh viên Việt Nam và quốc tế đang tồn tại một cách biệt khá rõ nét. Tất nhiên, đây là đánh giá chung mang tính tổng quát và không tính đến một vài cá biệt, xuất chúng…
Cũng theo phân tích của vị giáo sư này: Với “đầu vào” của giáo dục đại học (là những học sinh tốt nghiệp phổ thông) của học sinh Việt Nam và học sinh quốc tế không quá chênh lệch, nhưng “đầu ra” lại kém hơn thì đương nhiên phải đặt ra câu hỏi về chất lượng đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam. Để khẳng định thêm ý kiến của mình, GS Ngô Bảo Châu đưa ra dẫn chứng cụ thể từ việc tiếp xúc trực tiếp với học sinh (sản phẩm của giáo dục phổ thông) và sinh viên (sản phẩm của giáo dục đại học) trong nước của chính mình để đi đến khẳng định: “Phân khúc có nhiều vấn đề hơn là giáo dục đại học”.
Tuy nhiên, cũng qua những trao đổi ngắn với báo giới trong khuôn khổ của hội nghị giáo dục này, bằng cách nhìn “phản biện”, thêm một lần nữa GS Ngô Bảo Châu cũng đưa ra một số đánh giá về hình thức thi tốt nghiệp phổ thông như những năm vừa qua không nên làm nữa. Bởi, về mặt kinh tế mà xét, kỳ thi tốt nghiệp tốn khoản chi phí rất lớn. Song, đổi lại là một kết quả mà ai cũng có cảm giác... là không có thực chất. GS Bảo Châu cho rằng: “Kể ra, nếu tất cả các em đỗ thì cũng đáng mừng. Nhưng, nếu có sự dao động quá lớn giữa các năm, bỗng nhiên từ 60% - 50% của những năm trước vọt lên 100% ở các năm sau thì đó là dấu hiệu cho thấy việc thiếu sự nghiêm túc trong tổ chức kỳ thi. Như vậy, nếu đã qua nhiều năm mà chúng ta vẫn chưa thực hiện được một kỳ thi phổ thông nghiêm túc theo quy trình cũ thì cần phải nghĩ đến một quy trình mới”.
Vị giáo sư này cũng thẳng thắn: Tôi không phải là một chuyên gia về khảo thí, tổ chức thi cử nên không thể đưa ra một phương án của tôi. Tuy nhiên, vẫn phải có một số nguyên tắc cần phải tuân thủ. Chẳng hạn như khách quan cho thấy có sự cách biệt trong trình độ của các học sinh các tỉnh thành; Giữa vùng sâu vùng xa với các trung tâm, thành phố lớn. Và không chỉ thế, về trình độ của học sinh mà ngay cả yêu cầu của từng địa phương cũng khác biệt. Vì vậy, việc áp đặt một chuẩn chung (thể hiện ở kỳ thi tốt nghiệp) trong toàn quốc sẽ rất khó thực hiện một cách hiệu quả. Còn với nền giáo dục đại học của ta hiện nay, thể hiện ở kỳ thi tuyển sinh đại học vốn đã được đánh giá khá ổn, nhưng vẫn cần thay đổi. Song, nên thay đổi một cách hết sức dè dặt!
Việt Khuê - Lê Phương