Bất ngờ gặp lại học sinh hư giữa đường, cô giáo nhận về bài học thấm thía
(Dân trí) - Từ bài học thấm thía với học trò hư, cô Nguyễn Thị Hẹn (Đông Triều, Quảng Ninh) khẳng định: "Đừng quy kết hành vi của con trẻ thành đạo đức".
Cô giáo trẻ được học sinh hư "dạy cho một bài học"
Cô Nguyễn Thị Hẹn (65 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh) có 32 năm đứng trên bục giảng. Trong đời dạy học, cô Hẹn "may mắn" được gặp học sinh hư một lần. "Tôi gọi đó là may mắn, bởi trò hư đã dạy cho người thầy trẻ là tôi khi ấy một bài học đáng nhớ", cô Hẹn chia sẻ.
Hơn 30 năm trước, cô Hẹn nhận công tác tại một trường trung học cơ sở. Cô giáo trẻ được phân công dạy sử lớp 7 (tương đương lớp 9 ngày nay). Lần đầu tiên lên lớp, cô gặp một nhóm 4-5 học sinh cá biệt nổi tiếng ở trường. Khi cả lớp đứng dậy chào cô, nhóm học sinh này vẫn điềm nhiên ngồi.
Dù lòng giận dữ, cô Hẹn vẫn cố gắng bình thản đứng nghiêm trên bục giảng chờ đợi. Các học sinh khác tỏ ra ái ngại, bắt đầu quay sang nhìn nhau rồi chỉ trỏ, xì xào, nhắc khẽ nhóm học sinh cá biệt. Hơn một phút sau đó, các em này mới miễn cưỡng đứng lên chào cô.
Thủ tục chào hỏi xong xuôi, cô mới bắt đầu bài giảng, xem như chưa xảy ra chuyện gì.
Giờ học sử của tuần tiếp theo diễn ra tương tự, song thời gian nhóm học sinh cá biệt suy nghĩ để đứng dậy có rút ngắn lại. Tới buổi học thứ ba, không còn học sinh nào ngồi nữa.
Mỗi khi gặp nhóm học sinh này ở sân trường, cô Hẹn chủ động gật đầu chào. Các học sinh cũng ngượng ngùng chào lại cô.
Kỷ niệm khó chịu của cô Hẹn trong những ngày đầu tiên của sự nghiệp cầm phấn qua đi khi học sinh lớp 7 ra trường. Cô không ngờ rằng, 5 năm sau đó, cô gặp lại nhóm học sinh trong một hoàn cảnh đặc biệt.
"Đó là một ngày mùa đông mưa dầm gió bấc, tôi đi chợ đong gạo nhưng không thể đạp xe vì đường lầy lội bùn đất. Cứ dắt xe một đoạn lại phải dừng, dùng gậy gạt bùn ra khỏi bánh xe mới đi tiếp được. Bao gạo thì nặng mà tôi thì gầy bé.
Bỗng nhiên có một nhóm thanh niên đi bộ đến gần đề nghị giúp đỡ. Tôi ngẩng nón lên nhìn thì nhận ra học trò cũ. Chính là mấy em cá biệt năm xưa. Các em cũng nhận ra cô, ríu rít hỏi han.
Một em tháo bao gạo khỏi yên xe vác lên vai. Một em vác xe đạp. Cô trò cứ thế vừa đi bộ vừa trò chuyện hơn 2 cây số.
Các em bảo ngày đó thấy cô trẻ nên định bắt nạt, không ngờ cô nghiêm thế, lại không để bụng, vẫn đối xử với chúng như mọi học sinh khác. Rồi các em ấy nói: "Hồi ấy bọn em dại cô nhỉ?".
Về tới tập thể giáo viên, em vác xe đạp mang thẳng xe của cô ra ao rửa thật sạch sẽ bùn đất.
Tiễn các em về rồi, tôi thấm thía nhận ra những học trò mà tôi gắn mác cá biệt năm nào giờ đều trưởng thành, sống tình cảm, biết phải trái đúng sai.
Cái dại dột, hỗn hào lúc nhỏ qua năm tháng đã được sửa chữa. Có thể nhờ những thầy cô mà sau này các em được học, có thể nhờ sự uốn nắn nghiêm khắc và bền bỉ của bố mẹ, có thể nhờ va vấp với cuộc đời mà tự sửa đổi. Dù nhờ điều gì thì các em đều đã khôn lớn, đã từng hư nhưng không hỏng", cô Hẹn tâm sự.
Sau nhóm học sinh này, cô Hẹn không còn gặp học sinh "hư". Cô cũng không dùng từ "hư hỏng" để nhận định một học trò. Với cô, trẻ con có thể có hành vi chưa phù hợp, chưa đúng, thậm chí hư láo, hỗn hào, nhưng không nên kết luận là "hỏng".
"Hư thì sửa được, còn hỏng là vứt đi. Làm sao vứt đi một đứa trẻ được. Đại đa số con trẻ chưa có nhận thức đầy đủ, làm sai mà không biết mình sai, hoặc không ý thức được hệ quả của cái sai.
Khi cái sai không được chỉ ra cho trẻ thấy, lâu dần hành vi của trẻ mới thành thói quen, từ thói quen tập nhiễm thành tính cách, đạo đức khi trưởng thành.
Nếu thầy cô, cha mẹ biết ngăn chặn kịp thời khi cái sai của trẻ đang là hành vi, trẻ có thể sửa đổi để tốt dần lên. Do đó, đừng vội vàng quy kết hành vi của con trẻ thành đạo đức", cô Hẹn bày tỏ.
Học sinh thời nào cũng thế, chỉ có quan hệ thầy trò thay đổi
Cô Nguyễn Thị Hẹn phủ nhận học sinh thời nay hư hơn học sinh thời xưa. Cô cho rằng đó chỉ là cảm giác do hiệu ứng cộng hưởng của thông tin trên mạng xã hội.
"Hơn 30 năm dạy học chính thức và hơn 10 năm dạy học tại nhà sau khi nghỉ hưu, tôi khẳng định phần lớn học sinh ngoan. Học sinh hư là thiểu số. Câu chuyện học sinh ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang tôi tin chỉ là sự vụ hi hữu, không đại diện cho thế hệ học sinh ngày nay.
Hành vi hư của trẻ có thay đổi do bối cảnh xã hội. Ví dụ cùng là đánh nhau, học sinh ngày xưa giấu nhẹm đi, còn học sinh ngày nay tự quay lại rồi tự tung lên mạng như khoe chiến tích.
Là do các em sinh ra vào thời đại công nghệ số, bắt chước hành vi của người lớn một cách vô thức, không phải vì các em hư hơn", cô Hẹn khẳng định.
Tuy nhiên, cô Hẹn thừa nhận mối quan hệ thầy trò ngày nay thay đổi do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Hiện tượng thương mại hóa trong giáo dục, chuyện quà cáp phong bì thầy cô mang tính vụ lợi, áp lực điểm số, thành tích, thi đua… khiến phụ huynh và giáo viên có sự nghi kị lẫn nhau. Con trẻ ở giữa chịu ảnh hưởng.
Cô Hẹn cho biết, nhiều giáo viên có lòng tự trọng không cho phụ huynh và học sinh tới nhà để tránh những hiểu lầm không đáng có. Tình cảm thầy trò mất đi sự gần gũi, tự nhiên, đơn thuần. Khoảng cách thầy trò tạo kẽ hở cho bạo lực học đường nảy sinh.
"Ngày xưa mỗi khi học trò có vấn đề gì, cô đến tận nhà trò thăm hỏi, hiểu rõ hoàn cảnh từng học sinh của mình. Vì hiểu nên mới dễ cảm thông và có cách thức để kịp thời điều chỉnh những hành vi sai của học trò.
Ngày nay, khoảng cách thầy trò bị kéo giãn, thầy khó hiểu trò, trò không hiểu thầy. Không hiểu thì không có sự tin cậy, không tin cậy thì mục đích giáo dục không đạt được.
Đó là lý do vì sao bạo lực học đường luôn bị phát hiện khi đã muộn màng và khó giải quyết dứt điểm.
Để giải quyết được bạo lực học đường, tôi cho rằng cần giải quyết mối quan hệ thầy trò. Mà điều đó đang rất khó trong bối cảnh xã hội ngày nay", cô Hẹn nêu ý kiến.