Hôm nay con đánh thầy cô, có thể ngày mai con sẽ đánh cha mẹ
(Dân trí) - TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - nêu quan điểm, giải pháp gốc rễ để ngăn ngừa bạo lực học đường đầu tiên cần đến từ gia đình.
Tại cuộc tọa đàm "Trò "bắt nạt" thầy: Căn nguyên ở đâu?" do báo Dân trí tổ chức, TS Trịnh Thu Tuyết nhận định, để ngăn chặn bạo lực học đường, tiến tới xóa bỏ bạo lực ra khỏi trường học, cần có sự vào cuộc thống nhất và thường trực của gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, bố mẹ nào cũng mong đứa con của mình lớn lên thành người tử tế. Bởi vì hơn ai hết, chính họ được thụ hưởng thành quả của sự tử tế ấy.
"Nhiều gia đình, bố mẹ có ý thức dành thời gian tiếp xúc, trò chuyện, tâm sự với con để tìm hiểu tâm lý, vấn đề trong đời sống tinh thần của con. Cũng có những gia đình mà bố mẹ không được học hành nhiều hoặc quá bận rộn, không dành nhiều thời gian cho con, nhưng chính cách họ sống, nhân cách, sự tử tế của họ đã tác động đến những đứa trẻ.
Ngược lại, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng con hư. Do đó, cần sự thay đổi trong tư duy của bố mẹ. Bố mẹ muốn con thành người tử tế thì trước tiên phải dạy con biết tôn trọng người dạy mình thành người tử tế, đó chính là thầy cô giáo. Nếu hôm nay con mình có những hành vi lệch chuẩn với thầy cô, ngày mai có thể hành vi ấy sẽ tác động vào chính mình", TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.
Về phía nhà trường, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng thầy cô phải tự lấy lại vị thế của mình bằng nhân cách, trí tuệ và cả tấm lòng với trẻ. Bên cạnh đó, tất cả lực lượng giáo dục nên đứng bên cạnh thầy cô, dành cho thầy cô nhiều phương tiện giáo dục nhiều hơn.
"Bởi vì như tôi đã nói, bất kỳ hiện tượng gì xảy ra liên quan bạo lực học đường, thì phần lớn lỗi rơi vào người thầy. Nhiều khi tôi nghĩ, phải chăng ban giám hiệu, kể cả đơn vị giáo dục cấp cao, hay các đơn vị quản lý, cũng đứng về phía đứa trẻ mà xử lý người thầy mỗi khi xảy ra sự việc bạo lực học đường.
Một phần lý do là bởi, đằng sau học trò là phụ huynh, đằng sau phụ huynh là xã hội, còn đằng sau người thầy là tấm bảng trắng, không có ai hết", TS Trịnh Thu Tuyết nói.
Cuối cùng ở góc độ xã hội, TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định: "Để những đứa trẻ - những trang giấy trắng của chúng ta - không bị viết lên những dòng chữ, những đường nét tiêu cực, để không có những sự việc bùng phát đáng buồn, đau đớn, thể hiện sự thất bại, thì từng người liên quan đến quá trình giáo dục và tự giáo dục của trẻ nên tự ý thức trách nhiệm của mình, không nên chờ đợi môi trường trong sạch mà hãy tự mình thực hiện.
Chúng ta không thể thay đổi nước của cả dòng sông. Mỗi người chỉ là một viên phèn nhỏ, hãy tự mình làm sạch vùng nước rất nhỏ xung quanh mình".