Bạn đọc viết:
Bất hợp lý trong cộng điểm ưu tiên vào đại học
(Dân trí) - Việc cộng điểm ưu tiên xét tuyển vào đại học đến con số 3,5 điểm là một bất hợp lý, cần phải thay đổi.
Cá nhân, tôi cho rằng còn quá nhiều bất hợp lý trong vấn đề "ưu tiên", đặc biệt là ưu tiên cộng điểm khi tham gia xét tuyển vào đại học.
Tôi không bình luận nhiều, mà chỉ đặt ra một ví dụ (có thể nó hơi quá so với thực tế, nhưng hoàn toàn có cơ sở) để mọi người cùng suy nghĩ và đặc biệt là những cơ quan, tổ chức, cá nhân, những nhà hoạch định chính sách và làm công tác tham mưu, có trách nhiệm trả lời cho câu hỏi này và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
* Ví dụ: Nếu trường Đại học A có chỉ tiêu xét tuyển cho ngành B nào đó với một con số cụ thể là 200 chỉ tiêu cho năm học này. Có 300 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Trong đó, có 200 thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên, 100 thí sinh còn lại không có điểm ưu tiên.
Trớ trêu thay, trong 100 thí sinh không có điểm ưu tiên đó đều có số điểm thi tuyệt đối của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển vào ngành đó - đạt 30 điểm/3 môn. 200 thí sinh được cộng điểm ưu tiên kia, có rất nhiều em không đạt 30 điểm thi/3 môn, nhưng nếu được cộng điểm ưu tiên vào khi xét tuyển thì vẫn đậu đại học.
Nếu như có "một hoặc một số" thí sinh có số điểm thi đạt tối đa 30 điểm/3 môn, mà nằm trong top 100 em không được cộng điểm ưu tiên và bị trượt đại học, thì có công bằng, hợp lý không?!
Ai sẽ giải thích và chịu trách nhiệm, cũng như xử lý thỏa đáng cho những trường hợp "bị trượt đại học" nếu như các giả định trên tồn tại trên thực tế?
Một vấn đề khác cần nên nhớ rõ là các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh và đào tạo với mục tiêu hàng đầu và chất lượng nguồn nhân lực. Để có chất lượng nguồn nhân lực hàng đầu thì điều kiện tất yếu và đầu tiên nhất là tuyển sinh đầu vào đạt chất lượng hàng đầu.
Nếu cứ mãi nghĩ đến việc "ưu tiên" - như những bất hợp lý của nó, thì các cơ sở sẽ bị giảm thiểu đi số cơ hội đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu. Hệ lụy tiếp theo sẽ xảy ra là hiện tượng "chảy máu chất xám", đặc biệt là đối với những cơ sở giáo dục đó và với những thí sinh yêu thích ngành, mong muốn vào ngành, nhưng vẫn bị trượt vì hệ lụy điểm cộng.
Tôi rất đồng tình với quan điểm cho rằng: Trong thi cử và xét tuyển, điểm số được ví như hình nón, hình chóp. Tương ứng với điểm số càng cao thì số lượng đạt được ngưỡng đó càng ít dần.
Đặc biệt, trong phổ điểm đó, từ điểm số thấp lên điểm số cao dần, cứ càng lên cao thì sự chênh lệch về trình độ sẽ thay đổi theo cấp số nhân. Ví dụ: 3 điểm chênh lệch từ điểm số 21 đến 24 nó khác xa và không thể so sánh với giá trị 3 điểm chênh lệch từ điểm số từ 24 đến 27....
Do vậy, việc cộng điểm ưu tiên đến con số 3,5 điểm là một bất hợp lý, cần phải thay đổi.
Tôi cũng đồng quan điểm với bài viết của tác giả Trương Phan Việt Thắng trong bài viết "Đằng sau cộng điểm ưu tiên vào đại học: Chảy máu chất xám và nhiều hệ lụy" đăng trên Báo điện tử Dân trí vào ngày 02/8/2017.
Trong bài viết có nhận định về một số hệ lụy mà tôi cho rằng nó còn quan trọng hơn cả từ hệ lụy - nó là vấn đề và cách giải quyết vấn đề và là sự cần thiết phải giải quyết vấn đề trong những tồn tại mang tính hạn chế của giáo dục ở Việt Nam ta hiện nay.
Tôn Long Hạ
Câu chuyện trong mùa tuyển sinh năm nay là nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH vì không có điểm ưu tiên. Thí sinh cho rằng đây là điều bất công với học sinh giỏi. Vậy có nên tiếp tục cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học?
Dân trí rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả. Bài viết xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!