Thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt NV1: Cộng điểm ưu tiên thế nào để công bằng?

(Dân trí) - Những ngày gần đây, câu chuyện thí sinh đạt 29,25, thậm chí đạt 30 điểm (đối với nữ khối trường công an) vẫn trượt nguyện vọng 1 trong khi đó nhiều thí sinh điểm thấp hơn đến 2 - 3 điểm vẫn đỗ nhờ cộng điểm ưu tiên đang gây xôn xao dư luận. Vậy cộng điểm ưu tiên như thế nào để tạo công bằng cho thí sinh?

Vấn đề cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học không phải đến bây giờ mới bàn luận mà vấn đề này đã được báo giới đề cập vài năm trước đây. Tuy nhiên, năm nay, hiện tượng một số thí sinh điểm cao từ 29 - 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 vì không có điểm ưu tiên gây xôn xao dư luận. Vậy cộng điểm ưu tiên như thế nào để tạo công bằng cho thí sinh?

Được sự đồng ý của GS Hà Huy Khoái, Dân trí xin trích đăng ý kiến của ông về vấn đề này.


Nhiều thí sinh trên 29 điểm vẫn bị trượt vào ngành học yêu thích (Ảnh minh họa)

Nhiều thí sinh trên 29 điểm vẫn bị trượt vào ngành học yêu thích (Ảnh minh họa)

Theo GS Khoái, “đôi chút” lạm bàn dưới đây của ông, với mong muốn góp thêm lời bàn vào vấn đề xã hội đang quan tâm: nên cộng điểm ưu tiên hay không, và cộng thế nào?

Kỳ thi đại học nhằm tuyển chọn người có năng lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo, để đào tạo lâu dài. Cách tốt nhất để phát hiện ra năng lực một người là phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, cách này không khả thi khi số người cần phỏng vấn khoảng 1 triệu. Giải pháp bất đắc dĩ là có một kỳ thi, trong đó cùng nhau giải một số bài Toán, bài Lý, viết bài Văn,…

Theo tôi, “tư chất” của con người phân phối đều trong các vùng miền. Khó có thể nói người Thủ đô “nói chung” thông minh hơn người miền núi. Vậy nhưng chất lượng học sinh, và do đó kết quả thi, ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Có lẽ ai cũng thừa nhận lý do chủ yếu là vì điều kiện sống, điều kiện học hành.

Để giải một bài toán, cần khoảng 5 khâu lý luận, thì một em ở Thủ đô đã được học 4 khâu, chỉ cần “sáng tạo” một khâu nữa là đủ. Ngược lại, một em ở miền núi chỉ mới được học 2 khâu, nếu sáng tạo thêm 2 khâu nữa, điểm vẫn thua em ờ Thủ đô, mà thực chất là kém khả năng sáng tạo hơn em học sinh miền núi .

Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta có chính sách “ưu tiên”, vùng khó khăn được cộng điểm. Điều đó hoàn toàn hợp lý.

Nếu nhìn lại quá khứ, chúng ta đã từng có Trường “Bổ túc công nông” dành cho con em nhiều gia đình khó khăn, thất học. Học sinh học ở đó chỉ vài ba năm là tốt nghiệp THPT, nhiều người được cử đi nước ngoài học tiếp đại học và nghiên cứu sinh. Trong số đó, rất nhiều người đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho xã hội (chẳng hạn giáo sư Phan Phải và giáo sư Nguyễn Thị Lê). Rõ ràng, nhiều người có “tư chất” vượt trội, nhưng nếu cứ “thi thố” giải mấy bài toán mà họ chưa được học bao giờ, tất nhiên không bao giờ có cơ hội học hành cao hơn.

Cộng thế nào?

Trước đây, khi kỳ thì đại học tách riêng kỳ thi tốt nghiệp, với mức độ khó cao hơn, học sinh được khoảng 13 điểm là đỗ, việc cộng 2 điểm chẳng hạn, là cộng thêm 15, 4% số điểm.

Khi tiến hành “2 trong 1”, thực chất học sinh nếu chỉ cần tốt nghiệp thì được khoảng 12 điểm (3 môn), kết hợp điểm tổng kết năm là đủ. Để đỗ đại học thì cần khoảng 15-18 diểm. Như vậy, chỉ tranh nhau “suất đại học” trong khoảng 3 đến 6 điểm. Nếu vẫn cộng 2 điểm như trước thì tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3-6 điểm, tức là cộng khoảng 33,3% đến 66, 6% số điểm.

Theo tôi, có lẽ nên chăng cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý. Chẳng hạn nếu như trước kia, ưu tiên 15% số điểm thì chỉ cộng thêm từ 0,45 đến 0,9 điểm là cùng.

Thay đổi cơ bản cách xét tuyển.

Một khi học sinh ở vùng khó khăn có trình độ quá thấp so với “đề thi chung”, việc cộng điểm ít có ý nghĩa. Lại trở về cái “tiên đề” mà tôi rất tin là ”Nói chung tư chất được phân phối đều” để thử tìm một giải pháp thực sự công bằng. Công bằng theo nghĩa: người có tư chất ngang nhau thì được tạo điều kiện học ngang nhau. Nếu được quyết định, tôi sẽ đưa ra phương thức sau:

Trong tổng số chỉ tiêu vào đại học, dành 50% để lấy theo số điểm, từ cao xuống thấp. Khoảng 50% còn lại được chia đều theo tỷ lệ học sinh các tỉnh. Ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đảm sự công bằng trong tỉnh đó do điều kiện vùng miền, có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình. Làm như vậy các em giỏi ở các thành phố lớn không bị thiệt, mà bảo đảm công bằng xã hội hơn cách làm hiện nay.

Nếu lo ngại các em ở địa phương kém (rõ ràng là chỉ về trình độ tạm thời, chứ không phải về tư chất), tôi nghĩ có thể mở những lớp bồi dưỡng (dự bị) cho các em. Tất nhiên những con số phần trăm trong bài này còn phải cân nhắc cho thích hợp. Và mỗi phương pháp mới đều cần đi kèm những biện pháp mới để… chống tiêu cực. Nhưng đó không phải là đề tài bàn đến trong bài này.

GS.TSKH Hà Huy Khoái

(Ủy viên Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành Toán học)